Lệ Thủy là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế để sản xuất, kinh doanh rừng trồng, đặc biệt là trồng rừng gỗ lớn, rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC. Theo đó, diện tích rừng trồng toàn huyện hơn 29.284ha, trong đó có hơn 1.300ha trồng rừng gỗ lớn tập trung chủ yếu tại các xã Kim Thủy, Thái Thủy, Trường Thủy, Mỹ Thủy, Lâm Thủy, Ngân Thủy… Huyện cũng có trên 850ha diện tích rừng đã được cấp chứng chỉ FSC.

Sản lượng khai thác gỗ rừng trồng hàng năm đạt trên 190.000m3. Năm 2023, giá trị sản xuất lâm nghiệp đạt 165,6 tỷ đồng, tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 64,38%.

Từ thực tế trồng rừng gỗ lớn ở huyện Lệ Thuỷ có thể thấy, mặc dù trên một đơn vị diện tích nhưng rừng gỗ lớn cho năng suất vượt trội 3 - 4 lần so với rừng nguyên liệu. Sau 10 năm, rừng gỗ lớn có thể mang lại lợi nhuận 250 - 300 triệu đồng/ha, trong khi rừng nguyên liệu sau 5 năm cho thu hoạch đạt từ 60 - 70 triệu đồng/ha.

Đối với các diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC, một số doanh nghiệp chế biến đã ký hợp đồng thu mua với giá trị cao hơn rừng không được cấp chứng chỉ từ 15 - 25%. 

Một góc rừng gỗ lớn của người dân xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. .jpg
Một góc rừng gỗ lớn của người dân xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Ảnh: N.Hải.

Ông Lê Văn Tân, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lệ Thuỷ cho biết: “Thấy được lợi nhuận mà rừng có thể mang lại nên người dân rất phấn khởi, tiếp tục mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ rừng bền vững FSC, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, giảm thiểu việc đốt rừng sau khi khai thác và nguy cơ xói mòn, rửa trôi đất, ô nhiễm đất, làm giảm ảnh hưởng của thiên tai. Huyện cũng phấn đấu đến cuối năm 2025 trồng được trên 3.300ha rừng gỗ lớn có chất lượng cao”.

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình, rừng gỗ lớn là nội dung quan trọng trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh giai đoạn 2021-2025 và Đề án "Phát triển vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với trồng rừng gỗ lớn tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2019 - 2025".

Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, dự án nhằm đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn như: Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025; Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cho các hộ gia đình với tổng diện tích 1.000ha, kinh phí 7,92 tỷ đồng; Hỗ trợ thí điểm mô hình trồng rừng phòng tránh thiên tai; Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn cho người dân tại xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh và xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy với diện tích 200ha, kinh phí 3,13 tỷ đồng...

Hiện toàn tỉnh Quảng Bình có trên 130.00ha rừng trồng, trong đó rừng gỗ lớn gần 4.100ha, tập trung nhều nhất ở huyện Lệ Thủy (hơn 1.300ha), Quảng Ninh (gần 1.000ha), Tuyên Hóa (trên 550ha). Tỉnh cũng có trên 6.000ha rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC và hiện đang tiếp tục đánh giá, cấp chứng chỉ FSC cho thêm khoảng 15.000ha. Đây chính là điều kiện để người dân, doanh nghiệp trong tỉnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, đáp ứng nhu cầu chế biến gỗ, nâng cao đời sống.

Để xây dựng đầu ra ổn định cho rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh Quảng Bình đã xúc tiến kêu gọi đầu tư các nhà máy chế biến gỗ tinh sâu để tạo sự liên kết với người trồng rừng. Các doanh nghiệp chế biến gỗ trong tỉnh cũng chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ FSC. 

Trao đổi với VietNamNet, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình cho biết: “Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai và hoàn thành theo tiến độ đề ra của các chương trình, dự án đang thực hiện về trồng rừng gỗ lớn. Tập trung rà soát toàn bộ các diện tích đất để hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn trên đất quy hoạch cho rừng sản xuất giao hộ gia đình, cá nhân theo chỉ đạo của UBND tỉnh.

Phát huy tốt vai trò mở đường, dẫn dắt, góp phần lan tỏa mô hình trồng rừng gỗ lớn đến các thành phần kinh tế tư nhân, kinh tế hộ, hướng đến tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn tỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế về tạo tín chỉ carbon. Đánh giá diện tích hợp lệ và ước tính tiềm năng giảm phát thải khí nhà kính từ việc thực hiện các hoạt động chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn trên diện tích rừng được cấp chứng chỉ FSC/PEFC nhằm đạt được mục tiêu kép về chất lượng rừng và tạo tín chỉ carbon...”.

Hải Sâm