“Cũ người mới ta”
Những ngày gần đây, cư dân tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park (Gia Lâm, Hà Nội) vô cùng tò mà và có phần thích thú với những chú robot giao hàng chạy trên đường. Được biết, đây là những chú robot nằm trong kế hoạch “thử nghiệm hệ thống robot giao hàng tự động” trong khu đô thị. Theo anh Lương Trung Tiến, Trưởng Ban quản trị tại khu đô thị Vinhomes Ocean Park, những chú robot giao hàng tự động sau thời gian thử nghiệm sẽ được tính toán để áp dụng thực tiễn nếu thấy phù hợp.
“Về mặt lý thuyết, những chú robot giao hàng sẽ giúp các đơn hàng đến tay người nhận an toàn và hiệu quả, bởi các robot được trang bị hệ thống điều hướng và cảm biến tiên tiến để đảm bảo an toàn khi di chuyển trong khu đô thị. Ngoài ra, các robot được trang bị tính năng bảo mật, hệ thống theo dõi tích hợp có thể liên tục giám sát vị trí để đảm bảo an toàn cho gói hàng trong quá trình vận chuyển. Việc giao hàng bằng robot cũng giúp giảm phát thải hơn so với các cách giao hàng truyền thống”, anh Tiến thông tin thêm.
Được biết, robot được thử nghiệm được phát triển bởi Alpha Asimov Robotics - một startup trong lĩnh vực phương tiện giao hàng tự hành. Ngay cả tên gọi của Alpha Asimov cũng được lấy cảm hứng từ Isaac Asimov – một nhà văn Mỹ nổi tiếng chuyên viết các tác phẩm thể loại khoa học giả tưởng, robot. Về mặt bản chất, robot giao hàng không còn xa lạ ở nhiều nước tiên tiến, nhất là các nước khu vực Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc hay Nhật Bản nhưng lại vô cùng mới mẻ ở Việt Nam.
Theo quan sát của phóng viên Báo VietNamNet, robot giao hàng có kích thước dài 1m, rộng 80 cm và cao 60 cm, tải trọng 50kg - có thể chở 5 cái pizza hoặc 10 tô phở, di chuyển với tốc độ tương đương xe đạp (15 – 25 km/h). Những chú robit này giống xe tự lái, khi được trang bị các camera, bộ cảm biến, công nghệ GPS; 4G /5G, và dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để tính toán đường đi an toàn cho người đi đường và cả robot khi có thể tự động điều chỉnh tốc độ.
Dưới góc độ cư dân, chị Nguyễn Quỳnh Anh – một tiểu thương chuyên cung cấp thực phẩm cho cư dân tại khu đô thị cho biết, nếu robot hoạt động hiệu quả thì nhiều người sẽ không phải thuê shipper như hiện nay. Tuy nhiên, khi được hỏi về khả năng triển khai thực tiễn thì chị Quỳnh Anh “thẳng thắn” nói: “Khoang hàng nhỏ, kén chủng loại hàng hóa. Chưa rõ chi phí cho các đơn hàng vận chuyển ra sao, nhưng thời gian di chuyển của robot chậm hơn nhiều so với shipper. Đặc biệt, khả năng tương tác của robot với người nhận hàng (thu tiền, gọi khách nhận đồ…) kém nên mô hình này chắc cần thời gian chứng minh hiệu quả”.
Không khắt khe như chị Quỳnh Anh, anh Phạm Quốc Hoàn, nhân viên bất động sản của một sàn giao dịch tại khu đô thị lại cho rằng, hình thức giao hàng bằng robot này khá thú vị. Nó thích hợp với các món đồ văn phòng, hoặc các đơn hàng cần tính bảo mật cao cần ít sự can thiệp của con người (hợp đồng công chứng, giấy tờ…) nên khá phù hợp và đáng để chờ đợi. “Tôi sang Trung Quốc thấy mô hình giao đồ ăn hay thiết bị văn phòng trong các khu đô thị là khá phổ biến. Cùng với xe tự lái thì robot giao hàng tự động đang trở nên phổ biến tại nhiều thành phố ở quốc gia tỉ dân láng giềng rồi”, anh Hoàn thông tin thêm.
Robot giao hàng đã không còn là xa xỉ
Theo báo cáo của Hiệp hội tự động hóa toàn cầu, ngay từ năm 2022 Hàn Quốc và Nhật Bản đã cấp tập đẩy nhanh xây dựng hạ tầng 5G và triển khai áp dụng giao hàng bằng robot tại các thành phố lớn. Trong khi đó, Việt Nam thì mới đang thí điểm hình thức giao hàng này, nhưng ở quy mô nhỏ và chưa có báo cáo cụ thể. Mặc dù các chuyên gia công nghệ ước tính, quy mô của thị trường robot giao hàng tự động dự kiến sẽ tăng gần 50% trong 5 năm tới, nhưng khả năng phát triển ở Việt Nam sẽ là một ẩn số.
Bởi, để triển khai diện rộng hình thức giao hàng bằng robot cần phải hội tụ đủ các tiêu chí: hạ tầng công nghệ (ở đây là mạng 5G đủ mạnh, robot giao hàng thông minh); chi phí giao hàng và thời gian thực hiện mỗi đơn hàng. Ngoài ra, hành lang pháp lý và các chính sách hỗ trợ cũng là những điều kiện cần để hình thức giao hàng tự động này có dư địa phát triển. Ví dụ, khi robot giao hàng xảy ra va chạm trên đường, làm mất/hỏng hàng hóa thì trách nhiệm pháp lý ra sao?
Hoặc, ngoài hạ tầng công nghệ, hạ tầng giao thông để robot giao hàng có thể hoạt động được ở Việt Nam cũng là một dấu hỏi lớn. Ví dụ, về mặt lý thuyết robot giao hàng có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 16km/h. Tuy nhiên, dù được trang bị động cơ điện, camera, phần mềm giúp nó phát hiện và tránh vật cản trên đường cũng như trên vỉa hè nhưng với hạ tầng giao thông của Việt Nam thì việc robot có thể vượt qua rào cản là những chiếc xe máy chắn ngang vỉa hè hay những hố ga mất nắp hay không vẫn là những ẩn số.
Tại Mỹ, Walmart -"đại gia" tạp hóa hay chuỗi siêu thị Kroger, Walmart, thậm chí cả Amazon đã không chỉ áp dụng robot, drone mà dùng tới cả UAV để giao hàng trong đô thị và coi đây là một lợi thế về dịch vụ giao hàng ngay trong ngày. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc những chú robot đã trở thành những shipper đắc lực cho hệ thống siêu thị hay chuỗi bán lẻ trong các dịp ngày hội bán hàng như: Ngày Độc thân 11/11; Black Friday… trong bối cảnh các nhân viên giao hàng cũng bị quá tải.
Còn ở Việt Nam, theo chị Nguyễn Thúy Ngần (43 tuổi, nhân viên văn phòng sống tại khu đô thị): “Tôi rất ngạc nhiên khi thấy những chú robot đang “lon ton” đi giao hàng trong khu. Nếu được triển khai diện rộng trong thời gian tới, tôi tin chắc mình sẽ là tín đồ của những “chú chó robot” này”.