Với sự hỗ trợ của các máy bay quân sự, khoảng 44.000 lính Brazil đã nhận lệnh tham gia chiến dịch chống "giặc lửa" khi hàng ngàn đám cháy lớn nhỏ ở Amazon đang tạo ra màn khói bụi bao phủ dày đặc khắp một vùng diện tích rộng lớn tới hơn 3,1 triệu km2 và tiêu hủy nhiều vạt rừng nguyên sinh có giá trị của nước này.

{keywords}
Các binh sĩ được điều động tham gia chiến dịch chống "giặc lửa" ở 7 bang của Brazil. Ảnh: The Independent
{keywords}
Máy bay quân sự sẽ phun nước dập lửa. Ảnh: AP

Bộ trưởng Quốc phòng Brazil Fernando Azevedo tuyên bố trên báo The Independent rằng, sứ mệnh đầu tiên của quân đội Brazil ở Amazon do 700 binh sĩ được điều động từ những khu vực xung quanh thành phố Porto Velho, thủ phủ bang Rondonia đảm nhiệm. Họ sẽ dùng 6 máy bay quân sự, trong đó có 2 máy bay vận tải C-130 Hercules để dội 12.000 lít nước dập lửa.

{keywords}
Một lính cứu hỏa tham gia chiến dịch dập lửa ở rừng Amazon. Ảnh: EPA

Động thái diễn ra đúng vào lúc Tổng thống Brazil Bolsonaro đang đối mặt với nhiều chỉ trích vì để xảy ra tình trạng cháy rừng tồi tệ nhất trong nhiều năm qua ở Amazon. Ông Bolsonaro bị cáo buộc đã để nạn lâm tặc hoành hành cũng như cho phép chặt phá rừng để phục vụ các dự án phát triển kinh tế địa phương.

{keywords}
Ảnh chụp từ một vệ tinh của Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) cho thấy các đám cháy khắp vùng rừng Amazon. Ảnh: Reuters

Tình hình cháy rừng Amazon nghiêm trọng đến mức từ ngoài không gian, các vệ tinh cũng chụp được những hình ảnh rõ thấy của các đám cháy trong khu vực này. CNN dẫn thống kê của Viện Nghiên cứu Không gian quốc gia Brazil (INPE) cho hay, hiện cứ mỗi phút, một khoảng diện tích tương đương 1,5 sân bóng đá của cánh rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới này lại bị thiêu rụi hoàn toàn.

Tốc độ cháy rừng như trên rất đáng báo động vì rừng Amazon đang cung cấp khoảng 20% lượng ôxy cho các sinh vật trên Trái đất. Các chuyên gia cảnh báo, thảm họa cháy rừng ở nơi được mệnh danh là "lá phổi của thế giới" này có thể làm thay đổi vĩnh viễn hệ sinh thái ở đây và làm tăng tốc quá trình biến đổi khí hậu khắp hành tinh.

Giáo hoàng Francis ngày 25/8 đã lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng cháy rừng tại Amazon, đồng thời kêu gọi các nước trên thế giới đưa ra một cam kết mạnh mẽ để ngăn chặn các vụ cháy rừng tương tự tái diễn.

{keywords}
 
{keywords}
 
{keywords}
Lửa đã thiêu rụi một vùng diện tích rộng lớn của khu vực Amazon. Ảnh: Reuters, AP

Cháy rừng Amazon là một trong những chủ đề thảo luận chính tại hội nghị thượng đỉnh G7 đang diễn ra tại thị trấn Biarritz bên bờ Đại Tây Dương của Pháp. Theo CNN, các lãnh đạo thế giới tham gia hội nghị G7 ngày 25/8 đã nhất trí sẽ hỗ trợ những nước bị ảnh hưởng, đặc biệt là Brazil do cháy rừng Amazon.

Thủ tướng Đức Angela Merkel tiết lộ, Berlin và chính phủ các nước khác sẽ thảo luận với Brazil về những dự án tái trồng rừng Amazon sau khi lửa được dập tắt hoàn toàn.

Trước khi hội nghị khai mạc ngày 24/8, Pháp và Ireland từng đe dọa sẽ phản đối thỏa thuận thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và nhóm Mercosur (gồm Brazil, Argentina, Uruguay và Paraguay) nếu sự cố cháy rừng không được giải quyết ổn thỏa.

Tuấn Anh