Con tôi năm nay học lớp 9 - một năm học quan trọng đối với những học sinh ở Pháp vì cuối năm sẽ có kỳ thi tốt nghiệp cấp 2. Chúng tôi lại vừa chuyển tới một thành phố lớn và hiện đại hơn, cho nên trường học, bạn bè của con cũng hoàn toàn mới. Thấy con như vậy, tôi đã lo sợ con bị bạn bè bắt nạt ở trường.
Bài kiểm tra Toán
Hoá ra không phải, tôi thở phào nhẹ nhõm. Con tôi khóc vì lo bài kiểm tra môn Toán hôm đó sẽ bị điểm kém. Con bảo bài quá dài, cô giáo nói không cần làm hết, nhưng con đã cố làm cho xong. Và giờ con lại lo lắng, thậm chí hối hận vì có thể câu trả lời đã sai hết cả. Bài kiểm tra hệ số 4, nên con rất sợ nếu điểm kém thì tổng kết học kỳ sẽ thấp.
Tôi cũng bất giác thở dài, trong khi nhẽ ra vào thời điểm đó, tôi nên an ủi con, nói với con rằng điểm số không quan trọng, chỉ cần con biết sai ở đâu để mình khắc phục là được. Suy nghĩ trực giác bảo tôi cần làm vậy, nhưng vào thời điểm đó, bản tính xấu xa của một bà mẹ mong đứa con học giỏi đã bộc lộ ra không chút giấu giếm.
Tôi biết, cái thở dài của tôi khiến cho con tôi cảm thấy nặng nề và lo lắng hơn rất nhiều. Để ngăn mình nói thêm điều gì không hay, tôi đi vào bếp để chuẩn bị bữa tối.
Một lúc lâu sau, con tôi chạy vào bếp, hớn hở khoe:
- Mẹ, cô giáo đã chấm bài của con rồi. Điểm không tồi chút nào đâu mẹ.
Tôi ngạc nhiên, sao cô lại chấm bài sớm như vậy. Buổi học hôm nay là buổi cuối trước kỳ nghỉ Thu, theo lẽ thường, phải 2 tuần nữa các con mới biết điểm.
Trường học không chỉ là nơi giáo viên truyền dạy kiến thức cho học trò... |
Lúc này con tôi mới kể lại rành rọt câu chuyện. Khi nộp bài, con cúi gằm mặt, cô giáo bảo ngẩng lên nhìn vào mắt cô thì biết rằng con đã khóc khi làm bài. Cô nói, nếu muốn, con có thể ở lại để cùng cô chấm bài kiểm tra. Cô cho con cơ hội giải thích tại sao lại làm thế này hay thế kia. Nhưng con không ở lại vì lúc đó đã muộn, con phải về nhà.
Trước khi con quay lưng đi, cô giáo hứa rằng sẽ chấm bài của con đầu tiên để con yên tâm. Cho nên con mới có thể biết điểm ngay qua hệ thống liên lạc điện tử. Cô còn chưa chấm bài các bạn khác, chắc phải nghỉ lễ xong mới có.
Hãy học cách làm chủ cảm xúc
Tôi giục con hãy mau viết thư cảm ơn cô. Bởi nếu cô không làm vậy, kỳ nghỉ 2 tuần sắp tới của con sẽ không thoải mái chút nào.
Mở hòm thư ra chúng tôi mới biết, không chỉ báo điểm, cô giáo còn viết cho con một bức thư.
“ V. yêu quý,
Như đã hứa, cô đã chấm xong bài kiểm tra của em. Cô chúc mừng em đã hoàn thành tốt bài kiểm tra và đạt điểm cao.
Cô chỉ muốn nói thêm với em một điều, kể cả nếu như bài kiểm tra này em không làm tốt cũng không cần phải quá lo lắng. Sẽ còn nhiều khó khăn hơn và bài kiểm tra này chỉ là một việc nhỏ.
Em lo lắng cho việc học hành như vậy rất đáng hoan nghênh. Nhưng em hãy học cách làm chủ cảm xúc của mình nữa, V. nhé.
Cô chúc em một kỳ nghỉ vui vẻ.
Cô M”.
Bức thư của cô giáo khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa xúc động. Theo lời kể của con, cô giáo dạy Toán đã già, lũ học trò có vẻ không quý cô lắm vì cô hơi lạnh lùng và nghiêm khắc. Nhưng hoá ra bề ngoài lạnh lùng, còn bên trong cô là một trái tim nhân hậu và ấm áp.
Tôi cảm thấy biết ơn cô giáo vô cùng, không chỉ vì cô yêu trò và tận tụy, mà còn vì lòng thấu cảm của cô đối với học trò. Cô đã tặng cho mẹ con tôi bài học quý giá. Rằng, trên thế giới này, vẫn có những nơi mà lòng nhân ái quan trọng hơn tất cả mọi quy tắc và luật lệ.
Trường học thực sự không chỉ là nơi giáo viên truyền dạy kiến thức cho học trò, mà còn là nơi học trò học cách làm người tử tế.
Nguyên Kan (từ Pháp)
Singapore: Giáo viên được trao quyền độc lập để nuôi dưỡng tài năng học sinh
Từ một “làng chài” với nửa dân số mù chữ, song với chính sách phát triển đội ngũ giáo viên giỏi, chỉ trong vòng nửa thế kỷ, Singapore đã có nền giáo dục đẳng cấp thế giới.