Bệnh nhân là bà T.L, 61 tuổi, nhập viện Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê (Phú Thọ). Bác sĩ chuyên khoa I Hà Huy Mến, Trưởng khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực, cho biết bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật và đang dùng thuốc theo đơn của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Do được mách uống nước củ ráy có tác dụng chữa ung thư, bệnh nhân làm theo.
Trong lá thư gửi cho cháu trước khi nhập viện cấp cứu, bà L. cho biết đã lấy củ ráy nhỏ, rửa sạch, lùi nướng, thái mỏng đun sôi. Sau khi uống khoảng hai bát nước và nhai một ít, bà bị khó thở, miệng và cuống họng đau, tức ngực, mệt mỏi.
"Xuống cho bá (bác - PV) vào phòng cấp cứu ngay nhé!”, bà L. viết trong thư dặn dò.
Theo bác sĩ Mến, thời điểm nhập viện, bệnh nhân L. đau vùng miệng, họng, khó nuốt, khó phát âm, cảm giác khó thở, niêm mạc miệng, họng phù nề đỏ.
Vị bác sĩ nhận định nguyên nhân gây nên tình trạng này do trong củ ráy chứa tinh thể canxi oxalat, chất này gây ra tình trạng kích ứng, bỏng da, sưng khi tiếp xúc, đặc biệt là phần lưỡi, miệng, môi…
"Rất may, bệnh nhân bị kích ứng nhẹ nên sau 3 ngày điều trị đã khỏi bệnh, ra viện. Một số trường hợp nặng có thể gây phù nề thanh quản, ngừng hô hấp và tử vong", bác sĩ Mến cho hay.
Một số nơi dùng củ ráy để chữa một số bệnh như trĩ, viêm khớp dạng thấp, đau răng… Tuy nhiên, ở nước ta củ ráy ít khi được dùng làm thuốc vì trong tự nhiên có nhiều vị thuốc thay thế an toàn và hiệu quả cao hơn.
Bác sĩ Mến khuyến cáo bệnh nhân ung thư cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý sử dụng các loại thuốc, thực phẩm chưa được chứng minh để tránh biến chứng.