Phải chăng chúng ta cũng đang bị lạc trôi trong những niềm tin về những giá trị chung của cộng đồng và hơn cả là niềm tin vào chính bản thân mình?
Chùa Linh Quy Pháp Ấn nằm trên ngọn núi cao, cách xa trung tâm thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) đã không còn giữ được sự thanh tịnh, bình yên vốn có từ bao lâu nay. Ngôi chùa đã đột ngột trở nên nổi tiếng sau khi xuất hiện trong một MV ca nhạc của một ca sĩ có lực lượng fan hùng hậu.
Cảnh tranh giành lộc diễn ra ở chùa Hương - Anh: Zing.vn |
Nếu những người hâm mộ của ca sĩ hay MV này đến viếng cảnh chùa với ý thức tôn trọng quy pháp nơi cửa Phật thì không có gì đáng nói. Nhưng không, những gương mặt trẻ măng đến đây mang giày lên nơi tu tập của nhà chùa mặc cho các sư thầy đã đặt biển cấm. Họ vứt rác bừa bãi mặc cho nhà chùa đã chuẩn bị sẵn những thùng phuy to đựng rác, có ghi rõ ràng "xin cho tôi rác". Cười đùa bát nháo, ồn ào tranh nhau một chỗ đứng đẹp trước nơi thờ tự trang nghiêm, bất chấp tất cả, họ cần một bức ảnh selfie rực rỡ để đưa lên Facebook như gặt hái được một thứ thành công thời thượng.
Nhưng mùa xuân này không chỉ có mỗi Linh Quy Pháp Ấn “thất thủ”. Lướt qua các tin tức về lễ hội sau Tết, thấy những bản tin quen thuộc như thể “đến hẹn lại lên” mỗi dịp tết đến xuân về. Tranh cướp, hỗn loạn xảy ra tại các lễ hội của nhiều đền chùa ở nhiều địa phương. Năm nào cũng thế, người đi viếng lại chen lấn nhau để gửi gắm thỉnh cầu của mình lên đấng siêu nhiên mà họ tôn thờ, giẫm đạp nhau để quyết giành bằng được vòng lộc may mắn hứa hẹn mang đến một năm tài lộc...
Khi sự mong cầu may mắn lên đến đỉnh điểm, người ta sẵn sàng bỏ qua các thiết chế xã hội, các quy định phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Không gian công cộng vì vậy đã bị xâm hại. Sự hỗn loạn tại các đền chùa chắc chắn đã làm cho nhiều người nản lòng, cũng giống như chuyện hồ Ngọc Khánh, hồ Thiền Quang, sông Hồng… ngập đầy rác vào ngày đưa ông Công ông Táo về trời và cá chép - phương tiện đưa ông Táo về trời tuyệt vọng vùng vẫy trong túi nylon; lư hương, bát nhang được thản nhiên vứt thẳng xuống sông hồ trong lời nguyện cầu một năm sung túc, bình an. Sự tử tế đã bị đánh rơi ở nơi tưởng chừng như chỉ có lòng thành và sự trắc ẩn. Khế ước xã hội đã bị vứt sang một bên trong cơn bày tỏ lòng thành tập thể của đám đông vốn chỉ mưu cầu lợi ích cho bản thân.
Chuyện những người trẻ đến viếng chùa như một cách tiếp cận thần tượng là không xấu. Cũng như không có gì để phê phán người mong cầu tài lộc trong năm mới cho bản thân mình. Nhưng điểm chung của những chuyện đáng buồn này nằm ở việc người ta dường như tin rằng những điều đẹp đẽ sẽ đến nếu giành được một cái gì đó, bất chấp luật lệ, con người, môi trường xung quanh.
Thêm một bước đến gần với thần tượng cũng là khi người trẻ thêm một bước rời xa khỏi những giá trị chung đã được thừa nhận; trong khi người lớn vẫn lao vào cơn mê mưu cầu tài lộc. Giữa một rừng mơ ước về những thứ vô hình, có thể nhìn thấy rõ sự thiếu vắng niềm tin vào sự tử tế hữu hình ở đời thực. Sau tất cả, thứ niềm tin duy nhất còn sót lại chỉ là niềm tin vào quyền lợi bản thân mình.
Lạc trôi, đó là tên của MV ca nhạc hiện đang nổi trong giới trẻ và cũng là nguyên nhân khiến nhiều người đổ xô đến Linh Quy Pháp Ấn du ngoạn xuân này. Phải chăng chúng ta cũng đang bị lạc trôi trong những niềm tin về những giá trị chung của cộng đồng và hơn cả là niềm tin vào chính bản thân mình? Những người lớn phải nhờ cậy vào thánh thần làm thay công việc của mình. Những người trẻ phải nhờ vào những thứ thời thượng mới tin mình có thêm giá trị trong khung hình trên Facebook, lung linh hơn trong mắt nhiều người. Nhưng liệu khi không tin vào sự tử tế, vào bản thân thì thánh thần hay thần tượng có giúp nổi chúng ta? Hay chúng ta lại tiếp tục lạc trôi trong sự u minh, bất an của chính mình.
Bảo Uyên/ theo TBKTSG