Lai Châu là tỉnh vùng cao biên giới Tây Bắc, dân số trên 85% là đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh có hơn 265km đường biên giới tiếp giáp với 3 huyện của tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Trên tuyến biên giới này còn có 2 cửa khẩu quốc gia và nhiều đường tiểu mạch qua lại hai bên…
Những năm qua, dù các lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng mua bán người qua biên giới có chiều hướng gia tăng. Tội phạm mua bán người hoạt động trên địa bàn tỉnh một phần vì đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu vùng xa, đường xá đi lại khó khăn, hay tự do qua chỗ vùng giáp biên làm thuê.
Chương trình truyên truyền phòng chống mua bán người tại huyện Phong Thổ. |
Nạn nhân của các đối tượng mua bán người ở Lai Châu thường là những phụ nữ dân tộc thiểu số có độ tuổi từ 16 - 30, thiếu hiểu biết hoặc muốn thay đổi cuộc sống.
Một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài để đổi đời hoặc các em gái ở tuổi mới lớn chưa có kinh nghiệm sống, dễ tin, thích du lịch, khám phá nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế, tổ chức xuất cảnh trái phép và bán nạn nhân cho các chủ sử dụng lao động nước ngoài, hoặc cưỡng bức lao động, ép hoạt động mại dâm, làm vợ bất hợp pháp
Những kẻ buôn người lợi dụng sự đói nghèo, thiếu hiểu biết, thất học, cả tin để lừa gạt các cô gái trẻ. Chúng vẽ ra cuộc sống tốt đẹp phía bên kia biên giới, dẫn dắt “con mồi” sa chân vào bẫy. Nhiều tên còn giả vờ yêu rồi rủ đi chơi, sau đó đưa thẳng sang Trung Quốc bán.
Trước đây, các đối tượng mua bán người chủ yếu tiếp cận nạn nhân qua các phiên chợ vùng cao, các trường dân tộc nội trú, địa bàn dân cư…. Hiện nay, chúng lợi dụng sự phổ biến của điện thoại di động, sự phát triển của mạng xã hội Zalo, Facebook… để tiếp cận một số phụ nữ và trẻ em có trình độ học vấn thấp, nhận thức xã hội còn hạn chế, có hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn.
Bên cạnh đó, chính những người đã bị lừa bán cũng lại chủ động tiếp tay cho bọn tội phạm này, khiến cuộc chiến chống nạn mua bán người cũng như công tác điều tra, phá án gặp nhiều khó khăn. Nhận thức về pháp luật của người dân, nhất là trong đồng bào dân tộc còn hạn chế. Ngoài ra, do bất đồng ngôn ngữ nên công tác điều tra; tuyên truyền về tội phạm buôn bán người còn nhiều khó khăn.
Các đối tượng mua bán người có xu hướng hoạt động liên tỉnh, liên kết với các đối tượng ở nhiều địa phương và với người nước ngoài để hình thành các đường dây tội phạm khép kín. Chúng liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn khiến cho việc phát hiện, ngăn chặn và bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn.
Trước thực trạng trên, nhiều năm qua, lực lượng chức năng trong tỉnh Lai Châu đã đẩy mạnh các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tệ nạn này. Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tăng cường tuyên truyền, giáo dục tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của phụ nữ các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng về phòng, chống tội phạm buôn bán phụ nữ và trẻ em.
Nhiều cán bộ phụ nữ không quản khó nhọc lặn lội tới từng bản làng xa xôi tuyên truyền cho những gia đình có nguy cơ cao. Câu lạc bộ phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em, phòng chống bạo lực gia đình thu hút đông đảo thành viên tới sinh hoạt.
Thực hiện lồng ghép tuyên truyền với các chương trình như xóa đói, giảm nghèo, gắn kết với phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào Vì an ninh Tổ quốc.
Các buổi tọa đàm, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi tìm hiểu, các buổi họp bản... góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền, bà con dễ tiếp nhận, nhất là ở các đối tượng và gia đình có nguy cơ cao, từ đó chủ động phòng ngừa, phát hiện tố giác và tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm buôn bán người.
Ðặc biệt, thông qua những câu chuyện kể từ chính nạn nhân từng bị lừa bán về hoàn cảnh sống khổ cực, vạch trần thủ đoạn tinh vi của bọn tội phạm giúp chị em cảnh giác trước những lời đường mật của kẻ xấu.
Lực lượng công an và biên phòng tỉnh sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ nắm danh sách các đối tượng nghi vấn, điều tra làm rõ các đường dây, ổ nhóm tội phạm; đồng thời phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm, phối hợp với các cấp các ngành triển khai thực hiện hiệu quả đợt cao điểm phòng, chống tội phạm buôn bán người.
Công an tỉnh Lai Châu cũng đã thực hiện nhiều giải pháp để đấu tranh, ngăn chặn như phối hợp với Bộ đội biên phòng tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý khu vực biên giới. Phối hợp với lực lượng chức năng Trung Quốc xác minh, giải cứu và tiếp nhận nạn nhân. Lập đường dây nóng nhằm kịp thời điều tra, bắt giữ và chuyển giao đối tượng phạm tội và giải cứu nạn nhân; xây dựng các mô hình phòng ngừa hiệu quả về nạn mua bán người…
Tuy nhiên, ngoài các giải pháp đã triển khai, thực hiện, đòi hỏi sự chung tay vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền và người dân. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác quốc tế trong trao đổi tình hình thông tin tội phạm. Triển khai có hiệu quả các công ước, nghị định về phòng ngừa, trấn áp và xét xử công khai đối với các vụ án mua bán người.
Lê Thúy