Bà Đặng Thị Loan - Trưởng Phòng Quản lý du lịch - Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết, thời gian qua, tỉnh Lai Châu đã tập trung nguồn lực triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển du lịch.

Trong đó tập trung nâng cao chất lượng hạ tầng kỹ thuật, sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng tại 5 điểm du lịch có thế mạnh gồm: bản Sin Suối Hồ, bản Vàng Pheo, Bản Thẳm, bản Sì Thâu Chải và bản San Thàng. 

Đặc biệt, năm 2023 bản Sin Suối Hồ nhận giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN lần thứ 3 và đang đề xuất ứng viên nhận giải thưởng “Làng du lịch tốt nhất” lần thứ 4 của UN Tourism. 

Từ đó, tạo điểm nhấn khác biệt của Lai Châu trên tuyến du lịch “Vòng cung Tây Bắc”.

image001.jpg
Bản Sin Suối Hồ đã được trao giải thưởng Du lịch cộng đồng ASEAN. Ảnh: TH

Cùng với đó, tỉnh Lai Châu cũng đã khai thác hiệu quả sản phẩm chợ phiên vùng cao gồm: chợ phiên/chợ đêm San Thàng (TP. Lai Châu), chợ phiên Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ), chợ phiên Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ), chợ phiên Tà Mung (huyện Than Uyên), với điểm nhấn là sắc màu trang phục truyền thống, văn hóa ẩm thực và sản vật địa phương.

Mặt khác, tỉnh Lai Châu đang tiếp tục phát triển hoàn thiện các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với phát huy giá trị cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh và sản phẩm nông nghiệp địa phương với các điểm nhấn nổi bật như: Khu du lịch sinh thái cầu kính Rồng Mây; Khu du lịch sinh thái Đèo Hoàng Liên Sơn (Ô Quy Hồ); Làng cá Thẩm Phé (Than Uyên)…

Các cơ quan hữu quan mạnh dạn xây dựng cả sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm (dù lượn) và các tour khám phá, chinh phục các đỉnh núi cao như: đỉnh Pusilung (cao 3.083 m); đỉnh Putaleng (cao 3.049m), đỉnh Bạch Mộc Lương Tử (cao 3.046 m), đỉnh Tả Liên Sơn (cao 2.993m). 

Ngoài ra, tỉnh Lai Châu còn tiếp tục đầu tư, nâng cấp và đưa vào khai thác một số sản phẩm du lịch tiềm năng mới như: Du lịch tại lòng hồ thủy điện (Bản Chát, Huổi Quảng, Vịnh Pá Khôm); Trò chơi “Đu dây qua hồ” tại xã Pa Mu (Than Uyên); Phố đi bộ đường 15/10 (Than Uyên); Phố đi bộ Hoàng Diệu (TP. Lai Châu), Đồi chè thị trấn Tân Uyên, Thiên đường nghỉ dưỡng/Homestay Tan Uyen Paradise… nhằm tạo ra hệ thống sản phẩm liên hoàn tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.

Toàn tỉnh hiện có 16 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh, trong đó có 11 điểm du lịch cộng đồng. 

Từ đầu năm 2024 đến nay, Phòng Quản lý du lịch đã tổ chức một số lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ du lịch gắn với việc phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc tại các điểm đến du lịch tiêu biểu vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Chương trình mục tiêu quốc gia Dự án 6 Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

“Các điểm du lịch và loại hình kinh doanh du lịch tại Lai Châu ngày càng phát triển về cả số lượng và chất lượng; nhận thức của người dân về vị trí, vai trò và hiệu quả của du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương được nâng lên; sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang du lịch dịch vụ đã đưa Lai Châu trở thành điểm đến mới được nhiều du khách lựa chọn để khám phá, trải nghiệm”, lãnh đạo Phòng Quản lý du lịch khẳng định. 

Tuy nhiên, lãnh đạo Phòng Quản lý du lịch cũng lưu ý một số hạn chế trong phát triển sản phẩm du lịch gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tại địa phương.

Chẳng hạn, tài nguyên du lịch chưa được khai thác hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh sẵn có. Loại hình và sản phẩm du lịch chưa đặc sắc, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và cả nước. Cơ sở hạ tầng tại một số điểm du lịch chưa đáp ứng nhu cầu, hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ. Thông tin du lịch, dịch vụ qua mạng Internet và trang mạng xã hội mới chỉ dừng lại ở ngôn ngữ tiếng Việt… 

Bà Đặng Thị Loan lý giải: “Lai Châu là tỉnh có xuất phát điểm về phát triển du lịch thấp, mức độ xã hội hóa phát triển du lịch chưa cao, nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho việc triển khai hoạt động du lịch còn thấp, chủ yếu phải dựa vào việc lồng ghép với các nguồn vốn khác. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch đòi hỏi nguồn vốn lớn, song nguồn hỗ trợ đầu tư hạ tầng du lịch của Trung ương đối với tỉnh còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của địa phương trong giai đoạn hiện nay”.

Bình Minh