Năm 2021, UBND tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 1184/KH-UBND về thực hiện Chương trình Phòng chống mua bán người giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó, tỉnh đặt trọng tâm đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người, ưu tiên các nhóm có nguy cơ cao, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Lai Châu tích cực phòng, chống nạn buôn bán người. |
Đồng thời, tích cực tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, mọi tầng lớp nhân dân. Kịp thời làm rõ và khắc phục những nguyên nhân, điều kiện làm nảy sinh tội phạm, giảm nguy cơ mua bán người. Hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống mua bán người. Thực hiện hiệu quả công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.
Bảo đảm 100% tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố liên quan đến mua bán người được tiếp nhận, phân loại; tỷ lệ giải quyết đạt trên 90%. Các vụ việc có dấu hiệu phạm tội mua bán người phải được thụ lý điều tra, xác minh, khi có đủ căn cứ phải khởi tố vụ án hình sự để điều tra theo đúng quy định của pháp luật. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm mua bán người bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Một trong các giải pháp của tỉnh là tăng cường truyền thông về phòng, chống mua bán người. Chú trọng công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương. Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người và các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học, ngành học.
Các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân trên phạm vi, địa bàn quản lý với phương châm "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để mọi người dân hiểu và biết cách tự bảo vệ mình trước các thủ đoạn của tội phạm mua bán người.
Tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời tố giác, tin báo và kiến nghị khởi tố về tội phạm mua bán người; điều tra, khám phá các vụ án, đường dây tội phạm mua bán người, truy bắt đối tượng. Thực hiện các biện pháp giải cứu, tiếp nhận, bảo vệ, hỗ trợ nạn nhân theo quy định của pháp luật. Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người và các loại tội phạm khác có liên quan trên phạm vi toàn tỉnh, tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Tăng cường quản lý biên giới, cửa khẩu, ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động xuất, nhập cảnh trái phép, di cư tự do. Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động cho nhận con, kết hôn có yếu tố nước ngoài, môi giới, tổ chức đưa người Việt Nam ra nước ngoài làm việc, học tập, du lịch và các ngành nghề kinh doanh có điều kiện khác nhằm kịp thời phát hiện vụ việc mua bán người trong lĩnh vực này.
Tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và bảo vệ nạn nhân theo nguyên tắc lấy nạn nhân làm trung tâm. Thực hiện hỗ trợ thiết yếu ban đầu theo quy định của pháp luật. Bảo vệ bí mật thông tin, an toàn cho nạn nhân và người thân thích của họ theo quy định của pháp luật.
Đặc biệt, công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng là yếu tố quan trọng. Các cơ quan chuyên môn, ban ngành đoàn thể nghiên cứu, thực hiện thí điểm quy trình chuyển tuyến (ngôi nhà bình an...), hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán. Xây dựng quy chế phối hợp liên ngành, liên cấp về tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và cung cấp kết nối dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và người nghi là nạn nhân bị mua bán.
Duy Tiến