Lai Châu là tỉnh miền núi phía Bắc với ba huyện biên giới là Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ tiếp giáp với Trung Quốc, có Cửa khẩu quốc gia Ma Lù Thàng và nhiều đường tiểu ngạch qua lại biên giới. Đây cũng là nơi tội phạm buôn người lợi dụng hoạt động.
Những nạn nhân bị bán qua biên giới chủ yếu để làm vợ hoặc bị lạm dụng tình dục. Nhiều người trở về được nhưng mang nỗi mặc cảm, tự ti rất lớn. Trong số đó, không ít người từ nạn nhân, trở thành kẻ buôn người... Vì vậy, việc hỗ trợ, giúp đỡ các nạn nhân bị mua bán hòa nhập cộng đồng, tạo sinh kế bền vững cho họ là nhiệm vụ trọng tâm, được tỉnh Lai Châu đặc biệt quan tâm.
Lai Châu hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về hòa nhập cộng đồng. |
Trong năm 2021, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) tỉnh Lai Châu ban hành Kế hoạch số 794/KH-SLĐTBXH về việc thực hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng đến năm 2030.
Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh về công tác phòng, chống mua bán người nói chung và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng, giảm thiểu nguy cơ bị mua bán và mua bán trở lại. Nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về, đảm bảo nạn nhân bị mua bán trở về được tiếp cận, sử dụng các dịch vụ hỗ trợ và hòa nhập cộng đồng bền vững.
Sở LĐTB&XH xác định, phải đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho cá nhân, gia đình và cộng đồng về công tác phòng, chống mua bán người nói chung và công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nói riêng. Ưu tiên các nhóm nguy cơ cao, đặc biệt ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các xã có điều kiện kinh tế khó khăn.
Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, Sở đề ra một số nhiệm vụ và giải pháp cụ thể:
Một là, tăng cường các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, người dân, nhất là người có nguy cơ cao và nạn nhân bị mua bán trở về.
Trong đó, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, tuyên truyền về công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về nước. Chú trọng truyền thông, tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng dân cư, nhất là các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã có điều kiện kinh tế khó khăn về chính sách pháp luật phòng, chống mua bán người và các chế độ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về; âm mưu, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người, nhất là mua bán người vì mục đích mại dâm, cưỡng bức lao động, mua bán người thông qua các tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài, mua bán nội tạng, mang thai hộ vì mục đích thương mại,…
Hai là, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị, chất lượng dịch vụ hỗ trợ nạn nhân tại cơ sở cung cấp dịch vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân. Đảm bảo tính sẵn có và dễ tiếp cận, phù hợp với đặc điểm, nhu cầu của nạn nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em. Phối hợp thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, thông báo, tố giác về mua bán người tới Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111. Xây dựng, thực hiện thí điểm các mô hình hỗ trợ nạn nhân hòa nhập cộng đồng theo hướng dẫn của Bộ phù hợp với từng địa phương, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Ba là, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác hỗ trợ nạn nhân. Trong đó, xây dựng tài liệu, cẩm nang về tiếp nhận, chuyển tuyến và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm… nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ làm công tác tiếp nhận, xác minh, bảo vệ và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về từ tỉnh đến cơ sở. Tập trung vào kỹ năng tiếp cận lấy nạn nhân làm trung tâm và thực hiện hỗ trợ dựa trên sự hiểu biết về sang chấn tâm lý; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ công tác xã hội tình nguyện…
Bốn là, lồng ghép nội dung phòng, chống mua bán người vào các chương trình phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trợ giúp xã hội; giảm nghèo, dạy nghề…
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về hỗ trợ nạn nhân; thống kê số liệu hỗ trợ nạn nhân. Thực hiện công tác phối hợp liên ngành và hợp tác quốc tế trong công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Tăng cường nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về.
Minh Phúc