Lai Châu có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng cũng như mặt hồ các công trình thủy điện trên địa bàn. Đây là thế mạnh mà các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh cần phát huy để đầu tư cho sản xuất nông nghiệp.
Những năm qua, để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, tỉnh Lai Châu đã ban hành và triển khai nhiều chính sách như chính sách chuyển đổi đất sang trồng cây cao su; chính sách phát triển vùng chè chất lượng cao; chính sách phát triển trồng quế, sơn tra, cây ăn quả và hỗ trợ phát triển chăn nuôi với tổng vốn gần 400 tỷ đồng… Ngoài ra, còn có các chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất hàng hóa tập trung bình quân đạt 33,7 tỷ đồng/năm; hỗ trợ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên 413 tỷ đồng/năm.
Tỉnh đã hình thành những sản phẩm chủ lực quy mô lớn, hiệu quả kinh tế cao như: 24.000 ha lúa (3.500ha quy hoạch phát triển hàng hóa chất lượng, đặc sản); 8.620 ha chè; gần 13.000 ha cao su; trên 8.294 ha quế; 2.012 ha sơn tra; trên 5.500 ha mắc ca; trên 8.292 ha cây ăn quả; chăn nuôi gia súc tập trung. Hiện có 5.378 ha chè được ký hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với người trồng chè; liên kết sản xuất, thu mua lúa séng cù, tẻ râu, các giống lúa nếp địa phương…
Từ chỗ chỉ biết trồng những giống cây đơn thuần theo hình thức tự phát, đến nay bà con nông dân đã biết trồng, chăm sóc những giống cây có giá trị kinh tế cao. Từ những vùng sản xuất hàng hóa tập trung, bà con nông dân đã chủ động phát triển mô hình kinh tế hộ. Nhiều hộ gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào các dân tộc địa phương và làm thay đổi bộ mặt nông thôn vùng cao.
Những kết quả tích cực
Tỉnh Lai Châu đang triển khai mạnh mẽ các chính sách, nghị quyết, đề án phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện các chỉ tiêu nông nghiệp năm 2022.
Thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển nông nghiệp của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh Lai Châu giai đoạn 2021 - 2025. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu đã chủ động, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo sản xuất, phát huy tối đa các nguồn lực, triển khai thực hiện các chỉ tiêu phát triển trong năm 2022.
Về tình hình triển khai Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 22/02/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 07/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh, Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030: các đối tượng thụ hưởng chính sách đã đăng ký thực hiện 454 ha lúa hàng hóa tập trung; 92,3 ha cây ăn quả; 424,3 ha chè tập trung; 29.000 chậu địa lan; 52 ha cỏ; 729 mở hầm biogas; 4.709 thùng ong; 444 lồng cá; hỗ trợ cước vận chuyển cho 2 cơ sở.
Với Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 03/02/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 08/2021/NQ-HĐND ngày 22/3/2021 của HĐND tỉnh, Quyết định số 422/QĐ-UBND ngày 19/4/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án phát triển rừng bền vững giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030: đến thời điểm này các ban quản lý rừng phòng hộ đang tiến hành rà soát, đo đạc quy chủ với diện tích 2.656 ha. Đã phê duyệt xong hồ sơ thiết kế kỹ thuật trồng rừng của các huyện Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ, Phong Thổ với diện tích 2.509 ha. Đã phát dọn thực bì được 1.783 ha. Đồng thời các công ty đã làm đất được 1.300 ha để trồng mới cây mắc ca. Đến hết tháng 6, ban quản lý rừng phòng hộ các huyện đã thực hiện trồng rừng được 302,1 ha.
Nghị quyết số 39/2019/NQ-HĐND ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh thông qua Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp các xã đặc biệt khó khăn và xã biên giới tỉnh Lai Châu giai đoạn 2020 – 2025 cũng đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhân. Về trồng trọt, diện tích lúa đông xuân đạt 3.186 ha, năng suất ước đạt 52,15 tạ/ha; diện tích lúa mùa ước đạt 15.000 ha; diện tích ngô xuân hè ước đạt 11.782 ha; đã thực hiện trồng mới được 53 ha cây chanh leo; diện tích trồng chè mới ước đạt 80 ha, tiếp tục chăm sóc diện tích 59,8 ha chè cổ thụ trồng năm 2021; thực hiện trồng 45 ha cây dương quy tại huyện Sìn Hồ...
Về chăn nuôi, tổng đàn gia súc chính ước đạt 201.063 con; tổng đàn gia cầm 905.500 con. Về thủy sản, diện tích ao nuôi ước đạt 379 ha; thể tích nuôi cá lồng 51.518 m3; thể tích nuôi cá nước lạnh 2.087 mở bể. Sản lượng nuôi trồng và khai thác ước đạt 450 tấn…
Kết quả theo bộ tiêu chí nông thôn mới, bình quân 13,95 tiêu chí/xã. Số xã đạt 19 tiêu chí 3/57 xã; số xã đạt 15 - 18 tiêu chí 17/57 xã; số xã đạt 10 - 14 tiêu chí 37/57 xã; không còn xã dưới 10 tiêu chí.
Đề án số 04-ĐA/TU ngày 25/8/2021 của Tỉnh ủy về phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung: Đến nay đã có 7 huyện, thành phố ban hành Nghị quyết của HĐND cấp huyện phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án phát triển hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025; 8 huyện, thành phố đã gửi văn bản về Sở Kế hoạch và Đầu tư để đăng ký nhu cầu vốn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 các dự án thuộc Đề án hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hóa tập trung giai đoạn 2021 - 2025…
Để đầu tư hạ tầng thiết yếu các khu sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung mở mới đường giao thông nội đồng với đường trục chính 9,5km vùng lúa, 24,5km vùng chè và mở mới 45km đường nhánh vùng chè. Nâng cấp hạ tầng đã đầu tư trong giai đoạn trước với tỷ lệ khoảng 80% nhu cầu vùng lúa, 70% nhu cầu vùng chè. Đối với các vùng dự án trồng cây ăn quả, tỉnh sẽ đầu tư mở mới 50,5km đường trục chính; 80km đường vùng mắc ca; 80km đường vùng quế; 70km vùng trồng cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, đầu tư kiên cố hóa đập đầu mối và kênh mương, đáp ứng 100% nhu cầu nước tưới chủ động cho 3.500 ha lúa tập trung.
Chuẩn bị giống cho vụ đông xuân 2021 - 2022 và xuân hè 2022, các huyện trong tỉnh đã căn cứ theo định mức Nghị quyết số 40/2020/NQ-HĐND thực hiện hỗ trợ 56,6 tấn lúa; 24,68 tấn ngô. Sau khi HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 11/2022/NQ-HĐND, các huyện đã và đang tổ chức cho nhân dân đăng ký hỗ trợ các hạng mục giống lúa, ngô, với cải tạo ruộng, phát triển cơ giới hóa trong nông nghiệp và trồng cây ăn quả. Ước đến 30/6/2022 hỗ trợ được 90,03 tấn lúa và 20,4 tấn ngô và 300 máy nông nghiệp.
Tạo đột phá trong nông nghiệp
Tỉnh Lai Châu đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện các chương trình, dự án, chính sách về phát triển nông nghiệp. Trong đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng gắn với đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư hạ tầng sản xuất. Nơi nào có khả năng thu hút đầu tư cao sẽ đầu tư hạ tầng trước để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện dự án nông nghiệp.
Chiều 7/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Hà Trọng Hải, Trưởng Ban Chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 đã chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án về phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại cuộc họp ông Hải nhấn mạnh: “Tỉnh Lai Châu có trên 82% công dân làm nông nghiệp, nông thôn, để thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp không hề đơn giản.
Chính vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chính sách, đề án (được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá là một trong những tỉnh có chính sách mạnh nhất toàn quốc) nhằm giúp nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nhỏ lẻ, liên kết lại thành nhóm, từ nhóm thành lập các hợp tác xã; cùng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo ra những sản phẩm chủ lực, thành những vùng sản xuất tập trung, gắn với tiêu chuẩn, tiêu chí hướng tới xuất khẩu. Qua đó tạo công ăn việc làm, giúp chuyển dịch cơ cấu tại địa phương...
Lai Châu là tỉnh đi sau, muốn rút ngắn khoảng cách so với các tỉnh khác cần phải có sự đột phá. Kỳ vọng của tỉnh là chính sách tạo được sự đột phá chứ không phải là đem chia bình quân để bảm bảo về an ninh lương thực”.
Đại diện UBND tỉnh yêu cầu tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc đang tồn tại. Đối với các chỉ tiêu kế hoạch của năm, UBND các huyện thực hiện rà soát lại và phải đảm bảo hoàn thành theo kế hoạch đề ra, đặc biệt là chỉ tiêu về cây ăn quả, chè. Yêu cầu các huyện, thành phố khi triển khai thực hiện các nghị quyết, chính sách, đề án cần lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia để hoàn thành mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra…
Ngoài các chính sách hỗ trợ chung theo quy định, tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn như: Chính sách cho thuê đất, góp vốn bằng hình thức quyền sử dụng đất; hỗ trợ chuyển đổi phương thức sản xuất, công nghệ sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm…
Trước yêu cầu nhiệm vụ phát triển của tỉnh trong tình hình mới, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Đảng, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong tuyên truyền, vận động nhân dân đổi mới tư duy sản xuất nông nghiệp. Thực hiện cải cách hành chính, cải thiên môi trường đầu tư…
Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại; tích cực ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất.Hình thành, phát triển mở rộng các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung.
Đẩy mạnh các hình thức liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng từ cung cấp đầu vào - tổ chức sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân và tổ chức đại diện của nông dân. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, tập trung bảo vệ, phát triển rừng.
Từng bước chuyển dịch nền sản xuất nông nghiệp theo hướng nâng cao hệ số sử dụng đất, nâng cao giá trị nông sản. Chuyển đổi hình thức sản xuất nhỏ lẻ sang thâm canh, sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường.
Tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ hiện đại, đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh, hướng tới một nền nông nghiệp công nghệ cao.
Quỳnh Nga