Đó là câu chuyện lạ lẫm với hầu hết những người sống ở thế giới hiện đại này, nhưng lại đang diễn ra tại đất nước Hồi giáo - Arab Saudi.
Arab Saudi là quốc gia duy nhất, cho đến nay, vẫn không cho phép phụ nữ sở hữu và lái xe hơi vì cho đây là "bắt đầu sự sụp đổ về đạo đức". Nếu bị phát hiện ngồi sau vô lăng và điều khiển xe hơi, thậm chí, phụ nữ Arab Saudi còn bị phạt bằng hình thức “quất roi”.
Trước những năm 1990, lệnh cấm phụ nữ lái xe ở Arab Saudi mang tính không chính thức. Tuy nhiên, sau sự kiện 47 phụ nữ nước này thách thức chính quyền bằng việc lái xe chở gia đình đi chơi, lệnh cấm đã được cụ thể hoá thành luật. Những người phụ nữ đứng lên đấu tranh đã bị tống giam ít ngày, sau đó, họ đã bị đặt dưới sự theo dõi của chính quyền và mất việc làm.
Arab Saudi là quốc gia duy nhất, cho đến nay, vẫn không cho phép phụ nữ sở hữu và lái xe hơi. |
Năm 2007, một nhóm phụ nữ Arab Saudi tiếp tục quyết định vận động chính phủ hoàng gia dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe tại quốc gia Trung Đông này. Các thành viên của Uỷ ban vận động vì quyền lái xe của phụ nữ dự định trình bản kiến nghị lên Nhà vua vào ngày 23/9, ngày quốc khánh của Arab Saudi.
Tuy nhiên, theo giới báo chí Arab Saudi, kiến nghị của Uỷ ban vận động đã không có hy vọng thành công vì trong xã hội của đất nước Hồi giáo này, vấn đề phụ nữ lái xe vẫn gây ra nhiều tranh cãi. Hai năm trước đó (2005), một thành viên của Hội đồng Cố vấn chính phủ đã châm ngòi cho một cuộc tranh cãi xã hội lớn tại Arab Saudi khi đưa ra đề xuất trao quyền lái xe cho phụ nữ. Ông này cho rằng, trong đạo Hồi, không có điều nào cấm phụ nữ lái xe, do đó chính phủ nên dỡ bỏ lệnh cấm này.
Phụ nữ tại Arab Saudi không ngừng đấu tranh đòi quyền lái xe. |
Đến tháng 5/2011, việc đấu tranh để được lái xe đã được phụ nữ vận động thông qua mạng xã hội. Tại đó, họ đưa lên những video quay ngồi sau vôlăng và tuyên bố hành động này sẽ tiếp tục cho đến khi hoàng gia bãi bỏ lệnh cấm vô lý trên. Manal al-Sherif – một phụ nữ đòi quyền được lái xe đã bị bắt giữ sau khi tải lên mạng video quay cô lái xe. Manal al-Sherif bị buộc tội “Làm ảnh hưởng đến danh tiếng quốc gia và gây rối loạn dư luận”. Cô được thả sau 10 ngày bị giam giữ với lời hứa “sẽ không lái ôtô nữa”.
Tuy nhiên, những người phụ nữ đang đấu tranh vẫn không dừng kế hoạch phản đối rộng rãi mặc dù điều đó là bất hợp pháp. Tất cả những gì họ muốn chỉ là tự đi lại, làm các công việc của họ mà không phải phụ thuộc vào tài xế.
Những nam giới Arab Saudi sùng đạo cho rằng để phụ nữ lái xe đồng nghĩa với việc bắt đầu sự sụp đổ đạo đức. Từ đó, phụ nữ có thể tự do lái xe ra khỏi nhà và đi bất kỳ đâu mà không được phép của chồng. Để tránh những lo ngại này, nam giới Arab Saudi thường phản đối yêu cầu quyền được lái xe của phụ nữ tại đất nước họ.
Hiện tại Arab Saudi là quốc gia duy nhất áp dụng lệnh cấm lái xe đối với tất cả phụ nữ, dù là người trong nước hay nước ngoài. Vì thế mà nhiều gia đình đã phải thuê lái xe riêng với giá khoảng từ 300-400 USD/tháng. Nếu gia đình nào không có đủ tiền chi trả khoản này thì phụ nữ buộc phải phụ thuộc vào nam giới trong gia đình để đưa họ đi làm, đi học, mua sắm, tới bác sĩ…
Theo ĐSPL