Trong vai người cần tiền, tôi đến tiệm cầm đồ T.T trên đường Tân Kỳ - Tân Quý (Q.Bình Tân) để cầm chiếc xe Future Fi. Nhìn chiếc xe cũ kỹ, chủ tiệm cầm đồ này cho biết, sẽ cầm với giá 7 triệu đồng. "Nếu đồng ý cầm, 1 tuần phải trả 700.000 đồng, nửa tháng là 1,2 triệu đồng, 1 tháng sẽ 2 triệu đồng. Quá 1 tuần và 1 ngày sẽ tính nửa tháng, quá nửa tháng 1 ngày tính 1 tháng, còn nếu lấy trong ngày trả 200.000 đồng", chủ tiệm nói nhanh như máy. "Dịch bệnh lãi vậy là thấp rồi đó em, bình thường lãi cao lắm", chủ tiệm cho biết thêm.

{keywords}
Tiệm cầm đồ mọc như nấm trên đường Tân Kỳ Tân Quý, Bình Tân. Ảnh: QH

Ăn nên, làm ra…

Đoạn đường Tân Kỳ - Tân Quý từ hướng QL1 về tới khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa có gần 30 tiệm cầm đồ. Khi được hỏi, các chủ tiệm đều đưa ra mức phí cho các khoản cầm cố từ 150-200 nghìn đồng/ngày, trong khi định giá tài sản cần cố thì khá thấp. Chỉ một loạt xe máy "chờ thanh lý", ông T., chủ một tiệm cầm đồ cho biết: "Hàng chục chiếc xe giá từ 12-15 triệu đồng, giấy tờ đầy đủ nhưng vẫn chưa thanh lý được chiếc nào. Dịch bệnh nên khó bán".

Dọc theo tỉnh lộ 10, đường Võ Văn Vân… (Bình Chánh) xuất hiện hàng loạt các cửa tiệm cầm đồ. Tại cửa hàng cầm đồ H.T trên đường Võ Văn Vân, chủ cửa hàng cho biết, không cầm xe máy, có cầm chỉ cầm… 5 triệu nhưng phải có giấy đăng ký xe. "Xe em cũ rồi, nếu đồng ý mức giá 5 triệu đồng mới cầm. Lãi 50.000 đồng/ngày", chủ tiệm nói.

Dịch Covid-19 làm các tiệm cầm đồ đang "ăn nên làm ra". Đa phần các tiệm cầm đồ đang áp dụng lãi suất 5 - 10%/tháng, tương ứng với 60 - 120%/năm. Cá biệt, có những cơ sở cầm đồ nhỏ lẻ cho vay với lãi suất 300 - 500%/năm. Ông Hiếu, chủ hệ thống cầm đồ có "máu mặt" ở Q. Bình Tân cho biết: "Mấy năm trước chỉ khi nào có bóng đá hoặc cuối năm, cầm đồ mới làm ăn tốt, nhưng năm nay lại khác, từ giữa tháng 4 đến nay lượng khách tăng đến 50-70%. Phần lớn là khách hàng cầm xe máy, laptop, điện thoại… Tỷ lệ khách hàng bỏ tài sản cao hơn rất nhiều".

Nhu cầu cầm cố tài sản mùa dịch tăng cao là chuyện có thật. Theo một công bố mới đây của 1 chuỗi cầm đồ, dư nợ cho vay trong 6 tháng đầu năm nay tăng 78,8% so với cùng kỳ. Theo chuỗi cầm đồ này, gói vay bằng xe máy và ô tô chiếm tỷ trọng nhiều nhất, hơn 80% dư nợ.

Tìm khe hở để "chặt chém"

Mất việc làm, thu nhập giảm làm nhiều lao động phải mang tài sản cầm để sống qua ngày. Thế nhưng, với lãi suất cho vay cắt cổ (100 - 300%/năm, thậm chí lên tới 500%/năm), nhiều cửa hàng cho vay cầm đồ đang dồn người vay vào bước đường cùng.

Ước tính, quy mô thị trường cho vay bằng cầm đồ có thể lên tới cả chục tỷ USD/ năm. Tuy nhiên, quản lý hoạt động cho vay của các cơ sở cầm đồ hầu như đang bị bỏ ngỏ. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 tác động lớn đến đời sống và thu nhập người lao động, các tiệm cầm đồ lại càng có thêm cơ hội để "chặt chém" khi điều kiện tiếp cận nguồn tiền từ các tổ chức tín dụng hạn chế.

Đa phần các cơ sở cầm đồ đều cho vay với lãi suất "cắt cổ", song rất khó xử phạt vì cho vay nặng lãi. Trước đây thông tư liên tịch số 02/1995/TT/LB giữa Bộ Thương mại và Ngân hàng Nhà nước quy định, lãi suất cầm đồ và phí cầm đồ tối đa không quá 4,2%/tháng. Hiện tại, các văn bản chỉ quy định lãi suất cho vay cầm đồ không được vượt mức 20%/năm của Bộ luật Dân sự, mà bỏ quy định về phí. Đây là kẽ hở để các cơ sở cầm đồ "lách" bằng lãi suất cho vay thấp song lại kèm theo "rừng" phí như phí thẩm định, quản lý tài sản…

Một chuyên gia kinh tế chia sẻ: "Hiện nay không có tổ chức tài chính chính thống nào sẵn sàng cung cấp các khoản vay theo kiểu "vay 1 triệu đồng, trả lãi 5.000 đồng/ngày" hay các khoản vay cho khách hàng tiềm ẩn rủi ro cao. Đây là đất sống cho tín dụng đen".

Theo chuyên gia tài chính, TS. Nguyễn Trí Hiếu, "để ngăn chặn tín dụng đen, trước hết phải tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân, doanh nghiệp, đưa ra các chế tài xử phạt thật nghiêm tội phạm cho vay nặng lãi…". Nhiều địa phương cho rằng, hoạt động cầm đồ đóng góp ngân sách rất ít nhưng hệ lụy phát sinh rất cao. Mới đây Đà Nẵng tuyên bố ngừng cấp phép cho các cơ sở kinh doanh cầm đồ trong năm 2020.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị / Dân Việt)