Theo số liệu vừa được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền người dân gửi tiết kiệm vào hệ thống các ngân hàng trong tháng 9 đạt 15.935 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, tiền gửi của dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt gần 6,45 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 9,95% so với đầu năm, mức cao nhất từ trước tới nay.

Lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng cũng tăng đáng kể khi có thêm 217.353 tỷ đồng trong tháng 9.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, tiền gửi của các tổ chức kinh tế đạt 6,23 triệu tỷ đồng, tăng hơn 4,65% so với cuối năm ngoái.

Tính chung, tiền gửi của cả dân cư và các tổ chức kinh tế gửi tại hệ thống ngân hàng đến cuối quý 3/2023 đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng 7,3% so với đầu năm.

Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, tổng phương tiện thanh toán (gồm cả các khoản giấy tờ có giá) do các ngân hàng nắm giữ đến hết tháng 9 đạt hơn 15 triệu tỷ đồng, tăng hơn 5,6%.

dsc 0760 78.jpg
Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh.

Lượng tiền gửi vào hệ thống các ngân hàng liên tiếp lập kỷ lục mới trong thời gian gần đây có nguyên do phần lớn là các kênh đầu tư khác như trái phiếu, bất động sản gần như đóng băng, trong khi thị trường chứng khoán cũng không còn hấp dẫn như giai đoạn 2021-2022. 

Trong khi đó, do sức mua yếu ở cả thị trường trong nước và toàn cầu dẫn đến các doanh nghiệp không dám mạnh dạn đầu tư cho sản xuất, tiền nhàn rỗi do đó cũng được đem gửi tại ngân hàng bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm sâu kể từ tháng 3 đến nay.

Thời điểm hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 6 – 12 tháng đều đã được các ngân hàng đưa về mức dưới 6%/năm. Thậm chí có ngân hàng còn đưa lãi suất các kỳ hạn này về dưới 5%/năm.

Kể từ đầu năm đến nay lãi suất huy động bình quân đã giảm khoảng 2%. Thậm chí lãi suất tiền gửi tại nhóm ngân hàng thương mại nhà nước kỳ hạn 12 tháng trở lên hiện chỉ còn từ 5 – 5,5%/năm.

Từ đầu năm đến nay, NHNN đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành với mức giảm 0,5-2%/năm. 

Đến nay, các TCTD cam kết tổng tiền lãi được giảm khoảng 22.000 tỷ đồng.