Nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế nông thôn, cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân, thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ giữa nông thôn - thành thị, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh, tháng 6/2023, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch chương trình chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, tỉnh đưa ra mục tiêu đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và chuyển đổi số là một trong những ưu tiên hàng đầu của Lâm Đồng trong hành trình về đích nông thôn mới.
Sau thời gian triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều xã nông thôn mới thông minh theo lĩnh vực nổi trội.
Báo cáo của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng cho biết, giai đoạn 2020 - 2024, toàn tỉnh có 24 xã đáp ứng tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu trên các lĩnh vực.
Trong đó, năm 2020 - 2021, công nhận 9 xã nông thôn mới kiểu mẫu về công nghệ cao theo hướng thông minh, môi trường; năm 2023 – 2024, tỉnh đã và đang hoàn thiện hồ sơ công nhận 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số, công nghệ cao theo hướng thông minh, môi trường, giáo dục, sản xuất nông nghiệp.
Cuối tháng 8/20244, xã Đạ R’sal (huyện Đam Rông) đã được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số.
Năm 2004, Đạ R’sal được tách ra từ xã Rô Men với 7 thôn và có 14 dân tộc cùng sinh sống. Thời gian đầu, Đạ R’sal gặp rất nhiều khó khăn, từ cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư xây dựng, tỷ lệ hộ nghèo còn cao; thu nhập bình quân đầu người thấp;… Tuy nhiên, với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước cùng với sự nỗ lực, đoàn kết một lòng của chính quyền và nhân dân trong xã, đến nay, Đạ R’sal đã có nhiều chuyển biến rõ nét, bộ mặt nông thôn ngày cáng khởi sắc, đời sống của nhân dân từng bước được nâng cao.
Hiện 100% trục đường liên thôn của xã đã được bê tông cứng hóa; năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 61,8 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 18 lần so với năm 2005; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 16,3% năm 2005 xuống còn 1,89% năm 2024, giảm trung bình từ 0,7%/năm; có 100% thôn đạt danh hiệu văn hóa, 90,2% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 5/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và có 1/5 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Năm 2017, xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, năm 2020 được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và năm 2023 đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về chuyển đổi số.
Cũng như Đạ R’sal, Tu Tra là xã miền núi của huyện Đơn Dương, có 14 thôn, trong đó 7 thôn là đồng bào DTTS. Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, những năm qua, người dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại trong sản xuất đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Đến nay, theo báo cáo của UBND xã Tu Tra cho thấy đã có sự thay đổi toàn diện và rõ nét trên tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội của xã. Theo đó, sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp công nghệ cao được phát triển mở rộng về quy mô, chất lượng; liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đẩy mạnh.
Năm 2015, Tu Tra được công nhận là xã nông thôn mới, năm 2021 được công nhận xã nông thôn mới nâng cao và năm 2023 được công nhận xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất nông nghiệp.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Tu Tra cao hơn so với mặt bằng chung của huyện, đạt trên 73,5 triệu đồng/người/năm; đến nay xã không còn hộ nghèo; cơ sở hạ tầng nông thôn được cải thiện nhất là phát triển hệ thống giao thông; các chương trình phát triển về văn hóa, y tế, giáo dục đạt được nhiều kết quả nổi bật;....
Việc xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, Tu Tra đã tiến tới đích cao nhất trong lộ trình thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Kết quả này đã khẳng định quyết tâm cao, hành động quyết liệt, cách làm sáng tạo, bền bĩ trong hành trình thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Đối với Lâm Đồng, trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định nông nghiệp công nghệ cao và xây dựng nông thôn mới thông minh là một trong những chương trình trọng tâm, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao trình độ sản xuất, tăng thu nhập, giảm nghèo bền vững và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.