Khi nông dân bắt tay chuyển đổi số

Làng nghề trồng rau Thuận Nghĩa ở thị trấn Phú Phong (huyện Tây Sơn) có tổng diện tích 38,5ha; trong đó có 19,5 ha được Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 2 công nhận với thương hiệu “Lá Lành” từ năm 2013.

Từ lâu, người trồng rau nơi đây đã áp dụng các phương thức sản xuất rất tân tiến và hiện đại, như sử dụng máy xới đất, lắp đặt giàn phun tưới tự động…, nhờ đó đã tạo ra những sản phẩm chất lượng cao. 

Thuận Nghĩa đã xây dựng và duy trì thường xuyên mô hình phân loại, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và thành lập 4 đội thu gom, xử lý rác thải hữu cơ tại nguồn để ủ phân bón bằng chế phẩm sinh học phục vụ sản xuất nông nghiệp tại làng rau.

Hiện nay, làng rau cung cấp khoảng 70-80 tấn rau cho các siêu thị lớn nhỏ trong tỉnh và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Đời sống của người dân trong làng ngày càng được nâng cao với thu nhập bình quân 100-250 triệu đồng/ha/năm.

Không chỉ có làng rau Thuận Nghĩa, thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng được đẩy mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh. 

W-IMG_2738 bưởi da xanh Hoài Ân Bình Định.jpg
Từ ngày quả bưởi da xanh mang nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân” được dán mã QR, chất lượng, giá trị và giá thành quả bưởi đã được nâng cao hơn rất nhiều.

Đến huyện Hoài Ân, khi cầm quả bưởi bưởi da xanh mang nhãn hiệu “Bưởi Hoài Ân”, chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR dán trên quả bưởi là người tiêu dùng có ngay những thông tin về người trồng là ai, vườn bưởi ở đâu, quy trình chăm sóc ra sao, chất lượng sản phẩm thế nào…. Nhờ có mã QR nên quả bưởi da xanh nơi đây khi bán ra thị trường rất được giá, dao động từ 40.000 – 50.000 ồng/kg, một gốc bưởi cho quả đẹp, chất lượng sẽ mang về cho người trồng bưởi khoảng hơn 1 triệu đồng. So với trước đây, lợi nhuận tăng rất nhiều.

Mã QR là một trong các yếu tố để minh bạch nguồn gốc, xuất xứ, toàn bộ quá trình sản xuất nông sản của nông dân. Càng minh bạch bao nhiêu, mức độ tín nhiệm của người mua hàng tăng bấy nhiêu, từ đó đưa tới các giá trị khác.

Chính vì vậy, không chỉ “Bưởi Hoài Ân”, rau Lá Lành ở Thuận Nghĩa mà hiện nay rất nhiều nông sản ở Bình Định được gắn mã QR, như sản phẩm chè Gò Loi Hoài Ân; tinh dầu dừa và bánh tráng nước dừa Hoài Thanh Tây… 

Tập trung cho nền nông nghiệp công nghệ cao

Ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, nhờ chuyển đổi số, ngành nông nghiệp Bình Định đã có nhiều thay đổi tích cực; chuyển đổi số đã mang lại nhều lợi ích cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Hiện nay, nhiều nông dân đã áp dụng thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến tại một số lĩnh vực, công đoạn trong sản xuất nông nghiệp như: Dùng máy bay không người lái để gieo sạ, phun thuốc, theo dõi diễn biến cây trồng; ứng dụng công nghệ blockchain vào hoạt động quản lý hệ thống chuồng trại chăn nuôi; cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP qua mã QR… 

Nhờ chuyển đổi số, người nông dân không chỉ biết áp dụng công nghệ, thay đổi phương thức sản xuất, canh tác đều sử dụng các thiết bị hỗ trợ thông minh để điều khiển từ khâu theo dõi, chăm sóc, tưới tiêu, mà các doanh nghiệp, HTX cũng có thêm kênh bán hàng mới, giúp quảng bá sản phẩm trên thị trường, tăng lượng hàng hóa bán ra. 

Ngoài ra, việc thực hiện quản lý mã số vùng trồng phục vụ truy xuất nguồn gốc đã giúp ngành nông nghiệp theo dõi, giám sát được quá trình sản xuất để tạo ra nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn.

Những bước chuyển mới của ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định đã giúp cải thiện đời sống nông dân, nâng cao thu nhập, đảm bảo sự phát triển nông nghiệp bền vững, nhất là mang lại những sắc màu mới tươi sáng hơn cho bức tranh nông nghiệp nông thôn toàn tỉnh.

Báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm địa phương của ngành nông nghiệp năm 2021 tăng 2,9%; năm 2022 tăng 3,2%; năm 2023 tăng 3,17%; năm 2024, ngành nông nghiệp phấn đấu đạt bình quân năm từ 3,2 - 3,6%. 

Việc phát triển nông nghiệp dựa trên công nghệ cao gắn với xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiện đại và văn minh.

Tỉnh Bình Định đưa ra mục tiêu, đến năm 2025, toàn tỉnh có trên 85% số xã đạt nông thôn mới; 36 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 5 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu; 7 huyện đạt chuẩn nông thôn mới; phấn đấu có 25 HTX nông nghiệp ứng dụng cao; phấn đấu có ít nhất 165 sản phẩm OCOP cấp tỉnh được công nhận.