Ắc-quy ô tô là một bộ phận thiết yếu góp phần vào hoạt động tổng thể của ô tô chạy xăng, dầu và cả điện. Một ắc-quy "khỏe" mang ý nghĩa sống còn cho hành trình lái xe suôn sẻ.

Trên động cơ đốt trong, ắc-quy có vai trò tích trữ điện năng để giúp chiếc xe khởi động và cung cấp điện năng cho các phụ tải (đèn, còi, âm thanh,...) trong trường hợp máy phát điện chưa làm việc hoặc vòng tua máy chưa đạt tốc độ quy định.

Tương tự trên ô tô điện, ắc-quy có nhiệm vụ dự trữ và khởi động hệ thống điện, giúp các thiết bị phụ tải hoạt động không cần đến cụm pin chính như đèn, gạt mưa, khóa cửa,... 

Nếu bạn lái xe thường xuyên, hệ thống sạc của ô tô có thể sẽ giữ cho ắc quy ở mức khỏe mạnh. Nhưng điều đó là chưa đủ để đảm bảo ắc-quy lúc nào cũng sẵn sàng phục vụ. Dưới đây là 5 điều mà các chuyên gia khuyên người dùng ô tô áp dụng, có thể sẽ giúp không bao giờ lo sợ phải "nằm đường" vì ắc-quy yếu.

Giữ pin của bạn ở trạng thái "no" khi không sử dụng

Nếu không lái xe một thời gian dài, ắc-quy có thể bị hao điện đến mức "yếu" không thể khởi động động cơ hoặc giúp máy phát điện hoạt động. Vì vậy, chuyên gia khuyên người dùng nên áp dụng phương pháp bảo trì ắc-quy để bộ phận này "khỏe mạnh", sẵn sàng hoạt động khi sử dụng lại.

Tháo ắc-quy là cách đơn giản nhất để bảo toàn năng lượng cũng như dễ dàng vệ sinh. Đầu tiên cần tháo cực âm trước rồi mới đến cực dương. 

Car battery Natalia Kokhanova via iStock 1.webp
Tháo ắc-quy và cất đi nếu không sử dụng xe trong nhiều tháng. Ảnh: Motorbiscuit

Tuy nhiên, nếu xe không đỗ quá lâu ngày thì nên hạn chế tháo ắc-quy vì việc tự tháo lắp với người không hiểu rõ về kỹ thuật có thể xuất hiện rủi ro như chập cháy, mất an toàn hoặc khiến các dữ liệu cài đặt trên ECU bị xoá, phải thiết lập lại ở lần khởi động tiếp theo.

Kiểm tra các đầu dây nối điện cực

Theo thiết kế, ắc-quy có khả năng chịu lạnh và cả nhiệt độ nóng, tuy nhiên điều đó không có nghĩa người dùng tự tin bỏ mặc bộ phận này mà không cần kiểm tra.

Ít nhất 1 tuần/lần, lái xe nên kiểm tra các đầu cực ắc-quy xem phần dây dẫn có bị ăn mòn, ôxi hóa hay không và tiến hành vệ sinh sạch sẽ nếu xuất hiện các hiện tượng này. Lý do là nếu phần tiếp xúc các đầu cực bị ôxi hóa hay ăn mòn sẽ làm cản trở dòng diện truyền đúng, đủ chỉ số tới các thiết bị phụ tải trên ô tô.

How to Clean a Car Battery 775x517.webp
Một đầu cực ắc-quy bị ôxi hóa. Ảnh: Motorsports

Khi vệ sinh, cần đảm bảo ắc-quy đã được ngắt kết nối và có thể dùng chất tẩy rửa chuyên dụng hoặc hoặc hỗn hợp baking soda + nước. 

Thỉnh thoảng kiểm tra hệ thống sạc ắc-quy

Ngoài việc giữ cho ắc-quy và các dây nối hai đầu cực luôn sạch sẽ, đảm bảo hoạt động, lái xe cũng nên kiểm tra hệ thống sạc (máy phát điện) của xe thường xuyên. Máy phát điện đảm nhận nhiệm vụ cung cấp điện năng cho các thiết bị tiêu thụ điện trên xe như ắc quy, hệ thống còi, đèn, điều hòa xe… 

Máy phát điện còn hoạt động tốt phải đảm bảo chỉ số điện áp ổn định khi động cơ nổ chạy không tải hoặc có tải (dao động ở mức 13-14,5V). Vì vậy, người dùng có thể đọc được chỉ số này thông qua một thiết bị đo gắn thêm (qua tẩu sạc, USB,...). 

hq720.jpeg
Vị trí một máy phát điện trên ô tô. Ảnh: iFixit

Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, nếu thấy xe khó khởi động, đèn pha không đủ độ sáng hoặc đèn cảnh báo hiện trên màn tap-lô thì nên tiến hành kiểm tra máy phát điện. Nếu nghi ngờ máy phát yếu hoặc hỏng, nên mang đến gara để thợ kiểm tra bằng thiết bị đo chính xác.

Thay ắc-quy khi đã đủ thời gian hoặc sắp hỏng

Theo các nhà sản xuất, ắc-quy ô tô tiêu chuẩn có tuổi thọ khoảng 3–5 năm, tùy theo cách sử dụng và bảo trì của người dùng. 

Thông thường, nếu ắc-quy ôtô được bảo dưỡng đúng cách thì tuổi thọ có thể kéo dài tới 100.000 km tương đương với 4 năm sử dụng, nhưng thực tế có loại chỉ được khoảng 2 năm. Vì vậy, nếu đã dùng ắc-quy tới 4 năm thì cũng nên sẵn sàng chuẩn bị thay mới dù nó chưa có dấu hiệu hỏng.

cach xac dinh do chinh xac cua dong ho van nang ky thuat so 2(1).jpeg
Điện áp ắc-quy có thể đo được bằng đồng hồ chuyên dụng. Ảnh: Maydochuyendung

Bên cạnh đó, nên thường xuyên dùng đồng hồ kiểm tra điện áp ắc-quy, nếu thông số hiển thị thấp hơn 11,8V thì ắc quy đã yếu và có thể xe sẽ khó khởi động. Điện áp tiêu chuẩn của bình ắc quy ô tô con là 12V và với xe tải lớn hoặc xe chuyên dụng, điện áp có thể là 24V.

Nếu ắc-quy còn mới mà điện áp thấp, nên nổ máy một thời gian và theo dõi lại mức điện áp. Dùng phương pháp loại trừ, nếu máy phát không hỏng, thì vấn đề còn lại sẽ là ắc-quy. Khi ắc-quy không còn khả năng nạp và giữ điện "khỏe", đó là lúc nên thay mới.

Sau khi thay ắc-quy mới cần chạy xe đủ lâu

Cuối cùng, nếu ắc-quy trên xe cần thay thế, lái xe nên lưu ý phải chạy hoặc nổ máy đủ lâu để nạp "no" điện. Theo các chuyên gia, máy phát điện cần một khoảng thời gian để giữ ổn định dòng điện và nạp đầy vào ắc-quy, do đó việc tắt máy quá sớm sẽ khiến ắc-quy có thể "đói". Việc này không chỉ ảnh hưởng đến quá trình khởi động xe sau đó mà còn ảnh hưởng đến tuổi thọ ắc-quy.

Tổng hợp (motorbiscuit, wikipedia)

Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên?  Hãy để lại bình luận bên dưới hoặc chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: otoxemay@vietnamnet.vn. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!