Theo các bác sĩ, các nguyên nhân thương tích thường gặp đối với học sinh, trẻ em là tai nạn giao thông, té ngã, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, bạo lực hoặc do tiếp xúc với các vật nổ như pháo và bao gồm cả trường hợp thương tích do hành động tự tử gây ra.
Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An và nhiều cơ sở y tế trên cả nước tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhi gặp tai nạn vì té ngã trong quá trình sinh hoạt. Nhiều trường hợp do ngã xe tròn tập đi, có trẻ bị ngã rách lưỡi, chảy máu khó cầm vùng miệng.
Điển hình là bệnh nhân A.K, chưa đầy 1 tuổi. Gia đình cho biết sau khi xe đẩy bị trượt, bé văng khỏi xe, đập mạnh vùng mặt xuống nền nhà cứng. Cú ngã khiến miệng bé chảy nhiều máu, mặt biến dạng.
Bác sĩ kiểm tra thấy vùng miệng hàm dưới của trẻ bị bầm dập, vùng cằm bên trái sưng nề. Ở giữa 2 răng cửa hàm dưới có vết rách niêm mạc, bầm tím. Hình ảnh chụp cắt lớp vi tính hàm mặt cho thấy có gãy di lệch thân xương hàm dưới.
Ca phẫu thuật kéo dài 1 giờ do vết gãy khá phức tạp. Trẻ cũng được phẫu thuật kết hợp xương, giúp nắn chỉnh và cố định xương hàm dưới về đúng vị trí giải phẫu. Sau 2 tuần gặp tai nạn, bé có thể bú mẹ trở lại.
Theo các bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, hầu như đứa trẻ nào trong đời cũng đã từng bị ngã từ một vài lần đến nhiều lần. Có trường hợp trẻ chỉ bị xây xát nhẹ ngoài da và không gây hậu quả nghiêm trọng, nhưng có trường hợp bị chấn thương rất nặng nề ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.
Bệnh viện này từng tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi nhập viện trong tình trạng nhiễm trùng nặng do trèo cây rồi nhảy xuống đất thì vô tình giẫm phải que nứa (tre) bẩn. Bác sĩ được xác định bệnh nhi có dấu hiệu uốn ván suy đa tạng, phải thở máy. Sau hơn 5 tháng điều trị tích cực, bé đã thoát khỏi nguy kịch nhưng lại phải sống thực vật.
Trẻ bị ngã phần lớn là do sự vô ý hoặc bất cẩn của người lớn hoặc do tính tò mò, hiếu động nghịch ngợm, chưa nhận thức được hết những nguy cơ xảy ra tai nạn. Thường gặp nhất là té ngã do chơi đùa xô đẩy nhau, trẻ chạy nhảy ở những nơi trơn trượt hay ngã do trèo cây, trèo tường, cầu thang, ban công…
Trẻ cũng có thể ngã do người lớn không trông coi trẻ đúng cách khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường hoặc trên cao xuống, do tuột khỏi tay người lớn.
Ngã là một trong những tai nạn đứng đầu trong số những tai nạn ở trẻ em dưới 15 tuổi, có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng từ trật khớp, gãy xương, chấn thương ngực, chấn thương bụng đến chấn thương sọ não hoặc chấn thương nhiều cơ quan có thể dẫn đến tử vong.
Để tránh các chấn thương nghiêm trọng có thể gặp phải do bị ngã, các bậc cha mẹ cần trông nom cẩn thận khi trẻ mới biết bò, biết đi. Cha mẹ không thể đoán hết các tình huống có thể khiến trẻ ngã nhưng hoàn toàn có thể đề phòng bằng các biện pháp sau:
- Phải luôn có người lớn chăm sóc bên cạnh trẻ nhỏ khi ăn, ngủ, chơi. Không cho trẻ biết lật, bò, đi nằm trên võng, giường lúc không có người lớn bên cạnh.
- Có rào hoặc thanh bảo vệ ở những nơi như cầu thang, cửa sổ, ban công với độ cao an toàn cho trẻ. Sử dụng “cũi”, đặc biệt có tác dụng với trẻ nhỏ trong trường hợp không thể trông trẻ được.
- Đảm bảo bậc thềm, cầu thang đủ ánh sáng, dễ đi.
- Dạy trẻ không xô đẩy nhau, không leo trèo, ví dụ như leo lên cây cao hái trái, leo mái nhà. Giáo dục cho trẻ biết các nguy cơ và hậu quả có thể xảy ra khi ngã. Cần dạy trẻ tránh các trò chơi nguy hiểm như: Nhảy từ trên cao, thả diều trên sân thượng hoặc lòng đường, leo cột điện để lấy diều...
- Không để sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt.
- Không để đồ vật của trẻ ngoài tầm với.
- Không cho trẻ đứng trên ghế, vật dụng không vững.
- Không thực hiện các động tác dễ gây ngã cho trẻ nhỏ như xốc ngược, tung trẻ.