- Xử trí đúng cách ngay từ đầu giúp nạn nhân giảm đáng kể tổn thương nhưng thực tế rất ít người có kiến thức sơ cứu các tai nạn axit.
Trên thị trường, axit được bán công khai, giá rẻ, người mua có thể mua hàng trăm lít dễ dàng. Trong đó có 3 loại axit vô cơ phổ biến nhất là sunfuric H2SO4, axit nitric HNO3 và axit clohidric HCL.
Khi ở nồng độ đậm đặc, nếu bị bắn vào da thịt, chỉ trong vòng chưa đến 10 giây đã gây ra các tổn thương vô cùng nghiêm trọng, có thể ăn mòn thịt, sụn.
Các bác sĩ khoa Bỏng, Bệnh viện Xanh Pôn đang tiến hành xử trí cho một ca bị tai nạn axit đang điều trị tại bệnh viện |
Do đó, việc sơ cứu đúng cách cho các ca tai nạn axit hết sức quan trọng. Tuy nhiên BS Nguyễn Thống, Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn Hà Nội đánh giá, kỹ năng sơ cứu loại tai nạn này trong cộng đồng chưa được chú trọng, bằng chứng nhiều bệnh nhân bị tạt axit được chuyển ngay vào viện, vô tình khiến các vết bỏng bị lan rộng và sâu thêm.
Theo BS Thống, khi bị dính axit vào người, việc quan trọng đầu tiên là phải ngâm hoặc rửa ngay dưới vòi nước sạch càng nhanh càng tốt trong ít nhất 15-30 phút. Nếu ngâm trong chậu nước phải thay nước, nếu xả dưới vòi nước phải xả liên tục, nhưng phải tránh để axit loang thêm ra các vùng khác. Sau đó mới đưa nạn nhân đến bệnh viện.
"Axit rất háo nước, việc ngâm ngay vào nước giúp axit giảm nồng độ, vết bỏng bớt nghiêm trọng, giúp bệnh nhân bớt đau", BS Thống giải thích.
BS Thống cho biết, trước đây nhiều người khuyên dùng các hóa chất có tính bazơ để khử axit, phổ biến nhất là nước vôi trong, tuy nhiên nếu không xử trí khéo, phương pháp này dễ sinh nhiệt, bỏng thêm, thêm vào đó việc đi tìm nước vôi mất nhiều thời gian nên cách nhanh gọn và hiệu quả nhất là xối hoặc ngâm nước lạnh.
Nhiều gia đình sau khi sơ cứu còn bôi thêm thuốc mỡ, tuy nhiên BS Thống nhấn mạnh đây là cách làm sai vì khả năng chống viêm của thuốc mỡ hạn chế, chưa kể khi đến viện, các bác sĩ sẽ phải rửa hết thuốc mỡ đi khiến bệnh nhân phải chịu đau thêm lần nữa. Thay vào đó chỉ cần che vết thương bằng gạc vô trùng rồi đến thẳng bệnh viện.
Trường hợp quần áo dính lẫn axit, BS Thống khuyến cáo không nên lột ngay vì rất dễ làm tróc da cả mảng, thay vào đó sau khi xối nước lạnh, nên đeo bao găng rồi dùng kéo cắt bỏ từng mảnh nhỏ.
T.Hạnh