Ngày 10/6, Diễn đàn Thúc đẩy bình đẳng giới trong phát triển lâm nghiệp bền vững được tổ chức tại Bình Đình, các chuyên gia đã đưa ra nhiều ý kiến về việc tăng tỷ lệ phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo, kỹ thuật quản lý rừng nhằm góp phần phát triển lâm nghiệp bền vững và  giải quyết tình trạng bình đẳng giới trong môi trường làm việc. 

Ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng thực hiện bình đẳng giới không chỉ quan trọng với sự phát triển bền vững của ngành mà còn đối với quốc gia. Bất bình đẳng giới trong phân công lao động, giao đất rừng, quyền sử dụng đất, môi trường lao động.

 Trong lâm nghiệp từ công tác quản lý, bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản của ngành chủ yếu là nam giới tham gia. Trong thời gian tới, ông Bảo cho biết, Việt Nam cần nhiều nỗ lực hơn nữa để đảm bảo rằng cả phụ nữ và nam giới đều nhận được lợi ích bình đẳng từ rừng.
 
Theo bà Hoàng Lạc Tú Minh, Công ty Lâm nghiệp Quy Nhơn, Bình Định lồng ghép giới và công bằng giới cần thực hiện thông qua nâng cao nhận thức về giới, xóa bỏ định kiến giới, không phân biệt đối xử. Đặc biệt là cần tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ pháp luật về bình đẳng giới trong lãnh đạo và quản lý cán bộ.”

Tại Diễn đàn này, Ban tổ chức đã trưng bày 10 bức ảnh với chủ đề "Lâm nghiệp qua góc nhìn phụ nữ" qua đó nêu bật vai trò và đóng góp đa dạng của phụ nữ trong ngành lâm nghiệp. Những câu chuyện, quan điểm và trải nghiệm giàu cảm xúc từ mười phụ nữ đang trực tiếp đóng góp vào các nỗ lực lồng ghép và thúc đẩy bình đẳng giới được chia sẻ và lan tỏa cảm hứng rộng rãi trong công chúng.  

binh dang gioi.png
Phụ nữ thiệt thòi trong phát triển kinh tế. 

Phụ nữ đã đóng góp đáng kể vào sự tăng trưởng nhanh chóng của nền kinh tế lâm nghiệp ở Việt Nam. Không chỉ đến bây giờ, vai trò của phụ nữ trong lực lượng lao động nông nghiệp nói chung và lâm nghiệp nói riêng đã đáng kể từ nhiều thập kỷ trước. Tuy nhiên, vai trò  và sự đóng góp về mặt kinh tế của họ trong các hệ thống sản xuất lâm nghiệp thường bị bỏ qua và đánh giá thấp.
 
Một nghiên cứu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và GIZ phối hợp với Viện Lâm nghiệp Châu Âu phối hợp thực hiện vào năm 2023 cho thấy rằng phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật. Do đó, thu nhập của họ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam. Phụ nữ nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn thường vẫn bị thiệt thòi do bất bình đẳng giới trong tiếp cận các lợi ích từ các chính sách và dịch vụ.  

Thúy Nga và nhóm PV, BTV