Chỉ số giá tiêu dùng - chỉ số cơ bản để đo lường lạm phát đã tăng liên tục trong 5 tháng. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua. Việc giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có xu hướng tăng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước gây áp lực trực tiếp đến khả năng kiềm chế lạm phát.
Hiện tượng hiếm thấy suốt 20 năm
Tại hội thảo diễn biến giá cả thị trường ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2016 do Học viện Tài chính tổ chức ngày 7/7, các chuyên gia đều nhận định lạm phát đang trên đà tăng tốc.
Chuyên gia kinh tế PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, tính từ tháng 2 năm nay, CPI đã tăng liên tục trong 5 tháng. Đây là hiện tượng hiếm thấy trong 20 năm qua, trừ những năm có tốc độ tăng cả năm khá cao (như năm 2004 tăng 9,5%, năm 2005 tăng 8,4%, năm 2008 tăng 19,89%, năm 2010 tăng 11,75%, năm 2011 tăng 18,13%).
"Đi đầu" về mức tăng giá là nhóm dịch vụ y tế khi tăng tới hơn 25% do tác động của việc điều chỉnh giá hồi tháng 3. Tiếp đến là nhóm lương thực thực phẩm, giáo dục,...
Theo ông Ngô Trí Long, lạm phát tiềm ẩn khả năng diễn biến bất thường, vì từ nay đến cuối năm 2016 có nhiều yếu tố dự báo sẽ gây áp lực lên CPI, đặc biệt trong nửa sau của năm 2016 khi các mặt hàng y tế và giáo dục được đồng loạt điều chỉnh, thiên tai, thời tiết mất mùa; tăng lương cơ bản; độ trễ của tăng cung tiền; áp lực tỷ giá...
“Năm 2016 theo tôi khó thực hiện được mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 5%. Dự báo trong khoảng 4,8-5,2%”, ông Ngô Trí Long nhận định.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến, chuyên gia của Viện Kinh tế tài chính cho rằng CPI tăng thời gian qua chủ yếu do điều chỉnh giá y tế, giáo dục.
Theo ông Tuyến, mức tăng 2,35% trong 6 tháng đầu năm 2016 là ở mức trung bình so với một số năm trước, song về xu thế thì đây là mức tăng khá lớn nếu so với mức tăng 6 tháng đầu năm 2015 là 0,55%; 2014 là 1,38%.
“Việc CPI tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm nay có thể sẽ chấm dứt tình trạng CPI giảm dần trong các năm từ 2011 cho tới nay và bắt đầu một giai đoạn mới theo chiều hướng tăng lên của CPI”, ông Tuyến nhận định.
Dù vậy, chuyên gia này vẫn khẳng định là CPI 6 tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng nhưng sẽ không cao hơn 6 tháng đầu năm và cả năm sẽ đạt mức khoảng 4%.
Trái ngược với quan điểm trên, TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, cho rằng, lạm phát khó đạt chỉ tiêu dưới 5%.
Ông Phương phân tích, CPI 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn nửa đầu năm, ở mức 2,7-3% do giá hàng hóa thế giới có xu hướng tăng, và giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tiếp tục được điều chỉnh. Khả năng tăng trưởng tín dụng năm 2016 lên trên 20% để đổ vào các khu vực có tính đầu cơ như chứng khoán, bất động sản cũng có thể đẩy giá lên.
Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội, cũng dự báo lạm phát sẽ ở mức 5,2-5,5% trong năm 2016, cao hơn chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm. Tuy có vượt đôi chút nhưng đạt mức dự kiến đó cũng là một thành công trong công tác điều hành giá cả của nhà nước.
(Nguồn Tổng cục Thống kê) |
Giá y tế, giáo dục, xăng dầu “nhấp nhổm”
Đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2016, công tác quản lý, điều hành giá dự báo gặp nhiều thách thức do vẫn còn nhiều yếu tố có thể tác động mạnh đến chỉ số CPI.
Trong đó, sức ép từ cân đối ngân sách, việc tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế và giáo dục) theo lộ trình thị trường, chính sách điều hành tỷ giá và mặt bằng lãi suất trong thời gian tới sẽ là những nhân tố cần được quan tâm, theo sát để điều hành cho phù hợp với diễn biến thị trường và thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát như đã đề ra.
Dù cho rằng lạm phát vẫn được kiểm soát, nhưng trong báo cáo gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng tỏ ra hết sức lo ngại khi “vẫn tiềm ẩn nguy cơ lạm phát tăng cao”. Trong đó, sức ép hàng đầu đến từ việc giá dầu có khả năng tăng cao và sự điều chỉnh giá của dịch vụ y tế và giáo dục. Cơ quan này lưu ý thời gian tới, nhiệm vụ kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là trọng tâm hàng đầu.
Ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng để tránh tác động của giá xăng dầu lên chỉ số giá tiêu dùng, cần linh hoạt sử dụng quỹ bình ổn giá xăng dầu kết hợp với điều chỉnh giá một cách hợp lý. Đặc biệt là thời gian trước Tết Nguyên đán 1 tháng, trong Tết Nguyên đán, sau Tết Nguyên đán 1 tháng.
Đối với việc điều chỉnh phí dịch vụ y tế và giáo dục, ông Nguyễn Lộc An đề nghị Bộ Y tế xem xét giãn tiến độ điều chỉnh tăng phí y tế vào dịp cuối năm nay nhằm hạn chế mức tăng CPI chung. Trong trường hợp điều chỉnh 1 đợt, cần tránh những dịp có biến động lớn như cuối năm, lễ, Tết,... nhằm hạn chế mức tác động cộng hưởng vào CPI chung cả nước.
Lương Bằng