Dự thảo văn kiện Đại hội XIII của đảng bổ sung thành tố “dân giám sát, dân thụ hưởng” bên cạnh “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” là sự khẳng định sâu sắc bản chất ưu việt chế độ ta. “Dân thụ hưởng” là đích cuối cùng, mục tiêu tối thượng của một Nhà nước vì dân, luôn nỗ lực quan tâm nâng cao đời sống nhân dân, thể hiện rõ nét qua các chính sách an sinh xã hội (ASXH), phúc lợi xã hội, tập trung chăm lo đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, đối tượng chính sách, người yếu thế.

{keywords}
Cụm từ "dân thụ hưởng" gắn với chính khát vọng chúng đã đề ra, tức là phát triển đất nước phồn vinh để làm sao cho cuộc sống của người dân được hạnh phúc, được ấm no. Ảnh minh họa.

Góp bàn về định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn tới, ông Lê Anh Vinh, GS Toán học - Phó viện trưởng phụ trách Viện Khoa học giáo dục Việt Nam chia sẻ, thứ nhất, đối với khát vọng để đất nước chúng ta phát triển phồn vinh, theo mục tiêu của văn kiện Đại hội Đảng đã đưa ra rất cụ thể: Đến năm 2025, chúng ta sẽ là đất nước đang phát triển, có công nghệ theo hướng hiện đại và vượt qua được mức thu nhập trung bình; Đến năm 2030, chúng ta là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại với mức thu nhập trung bình cao và mục tiêu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước, chúng ta sẽ là một nước phát triển với thu nhập cao.

Báo cáo "Thế giới năm 2050" của PwC đã đưa ra nhận định, Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng, tiềm lực để có thể lọt vào top 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới vào năm 2050.

Vì vậy, mục tiêu này đã được căn cứ, cân nhắc rất kỹ lưỡng dựa trên nguồn lực của con người Việt Nam cũng như tốc độ phát triển rất bền vững và ổn định của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.

Thực tế, rất nhiều nước trong giai đoạn phát triển kinh tế nhanh cũng có những đánh đổi về mặt phát triển xã hội. Vì vậy, chúng ta đặt khát vọng để một đất nước phát triển bên cạnh sự phồn vinh là hạnh phúc.

Đây chính là một mục tiêu phổ quát của bất kỳ sự phát triển nào. Bởi vì mục tiêu để đất nước phát triển cũng chính là để cho mỗi con người có được một cuộc sống hạnh phúc, mỗi gia đình có một cuộc sống hạnh phúc, để từ đó chúng ta có một xã hội hạnh phúc, một dân tộc hạnh phúc.

Cụm từ "dân thụ hưởng",  đấy là góc nhìn lấy người dân làm trung tâm, tức là mọi sự phát triển về mặt kinh tế - xã hội ở đây sẽ phục vụ cho nhu cầu của người dân. 

Trước đây, chúng ta đã quen thuộc với các cụm từ “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Cụm từ “dân giám sát” mới có ở nhiệm kỳ gần đây. Mới nhất, chúng ta đưa thêm cụm từ “dân thụ hưởng”. Theo quan điểm của Đảng, tất cả mọi thành quả đều vì người dân, hướng về người dân. Đảng xác định, phải có sự tham gia của người dân từ việc hoạch định chính sách, giám sát chính sách, thụ hưởng hiệu quả của chính sách, đường lối đó. Việc này thể hiện chúng ta lấy nhân dân là trung tâm, lấy dân là gốc.

Cụm từ "dân thụ hưởng" gắn với chính khát vọng chúng đã đề ra, tức là phát triển đất nước phồn vinh để làm sao cho cuộc sống của người dân được hạnh phúc, được ấm no. 

Như Sỹ - Ảnh Khánh Hòa