Trở thành sếp bự nhờ bố mẹ là chủ công ty nhưng nhiều cô chiêu Việt không tận dụng được lợi thế “con dòng cháu giống” mà nhanh chóng làm “bay hơi” tiền của cha mẹ.

Thành sếp bự nhờ cha mẹ

Thương trường không chỉ là nơi các cậu ấm nối nghiệp cha mẹ, nhiều cô chiêu Việt cũng sớm theo đuổi nghiệp kinh doanh. Nhờ có cha mẹ là chủ hoặc người sáng lập công ty mà các cô chiêu dễ dàng trở thành sếp bự.

Tháng 5/2013, cái tên Phạm Đỗ Diễm Hương đã “khuấy đảo” thị trường khi trở thành nữ tướng trẻ nhất sàn chứng khoán Việt Nam. Cùng một lúc, ái nữ của đại gia ngân hàng Phạm Trung Cang được bổ nhiệm vào 2 vị trí quan trọng Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nhựa Tân Đại Hưng (TPC). Khi đó, Phạm Đỗ Diễm Hương mới 24 tuổi.

Điều đáng nói, ông Phạm Trung Cang là người sáng lập công ty Nhựa Tân Đại Hưng. Trước đó không lâu, ông Cang vừa từ nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty.

Nổi danh trước nữ tướng trẻ nhất sàn chứng khoán chứng là “Công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My. Cô gái sinh năm 1981 sớm dấn thân vào nghiệp kinh doanh. Trong khi anh trai Đặng Hồng Anh theo nghiệp ngân hàng của cha và lấn sân sang bất động sản, Đặng Huỳnh Ức My theo mẹ kinh doanh lĩnh vực mía đường.

{keywords}

Những nữ tướng trẻ tuổi: Đặng Huỳnh Ức My, Phạm Đỗ Diễm Hương và Nguyễn Ngọc Mỹ

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng ái nữ nhà đại gia ngân hàng Đặng Văn Thành đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng như CEO Thành Thành Công – “anh cả” trong ngành mía đường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành Thành Công Tây Ninh và chức vụ thành viên Hội đồng quản trị trong nhiều công ty mía đường khác.

Không chính thức có tên trong danh sách lãnh đạo của Công ty Cổ phần Đầu tư Alphanam (ALT) nhưng Nguyễn Ngọc Mỹ - ái nữ của Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hải đã khẳng định được vai trò của mình tại Alphanam. Cô từng góp mặt vào nhiều dự án của công ty.

Làm “bay hơi” tiền cha mẹ

Sau khi giữ những chức vụ cao nhất tại công ty Nhựa Tân Đại Hưng, sếp nữ Phạm Đỗ Diễm Hương không cải thiện được nhiều hoạt động kinh doanh của công ty mà ngược lại. Lợi nhuận hàng năm của Nhựa Tân Đại Hưng, đang có xu hướng giảm dần.

Lợi nhuận sau thuế của Nhựa Tân Đại Hưng năm 2011 và 2012 lần lượt đạt 37,55 tỷ đồng và 29,96 tỷ đồng. Năm 2013, khi Phạm Đỗ Diễm Hương trở thành nữ tướng trẻ nhất sàn chứng khoán, lợi nhuận sau thuế của công ty sụt giảm xuống 23,45 tỷ đồng. Sang năm 2014, chỉ tiêu này chỉ còn 11,73 tỷ đồng.

Năm 2015, hoạt động kinh doanh của công ty chưa có nhiều cải thiện. Lũy kế 9 tháng, Nhựa Tân Đại Hưng chỉ đạt hơn 7,6 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.

Hoạt động kinh doanh yếu kém khiến thị giá cổ phiếu TPC dưới mệnh giá suốt thời gian dài. Kể từ ngày Phạm Đỗ Diễm Hương trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty, giá TPC đã giảm 2.000 đồng/CP xuống 22,7% xuống 6.800 đồng/CP.

Đà giảm của TPC khiến vốn hóa thị trường Nhựa Tân Đại Hưng “bốc hơi” 48,86 tỷ đồng. Bản thân ông Phạm Trung Cang hao hụt 6,67 tỷ đồng.

Tình hình của “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My còn kém lạc quan hơn. Sau biến cố gia đình, nữ tướng sinh năm 1981 lần lượt từ nhiệm khỏi vị trí CEO Thành Thành Công và Chủ tịch Hội đồng quản trị Thành Thành Công Tây Ninh.

Mặc dù đã rút ra khỏi nhiều vị trí nhưng Đặng Huỳnh Ức My vẫn có sức ảnh hưởng lớn trong ngành mía đường khi vẫn nắm giữ chức vụ thành viên Hội đồng quản trị Thành Thành Công Tây Ninh (SBT) và Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần Đầu tư Thành Thành Công (TTCG).

TTCG không phải là công ty đại chúng nên báo cáo tài chính của công ty không buộc phải công khai nên khó có thể đong đếm được hiệu quả hoạt động của TTCG. Nhưng với SBT thì khác. Các bản báo cáo tài chính đã cho thấy rõ nét tình hình đi xuống của công ty.

Cụ thể, lợi nhuận sau thuế của SBT năm 2011, 2012, 2013 và 2014 giảm dần đều từ 552,99 tỷ đồng xuống 370,13 tỷ đồng, 239 tỷ đồng và 188,34 tỷ đồng.

Mới đây, doanh nhân Đặng Huỳnh Ức My khiến nhiều người bất ngờ khi bán 5 triệu cổ phiếu SBT và 3,15 triệu cổ phiếu BHS.

Mặc dù được đánh giá là tài năng và năng động nhưng nữ 9X xinh như hoa hậu Nguyễn Ngọc Mỹ không giúp gì nhiều cho Alphanam. Trong 2 năm 2012 và 2013, công ty gánh chịu những khoản thua lỗ nặng nề lần lượt là 144,86 tỷ đồng và 205,97 tỷ đồng.

Kết quả là cổ phiếu ALP đã chủ động dừng cuộc chơi trên sàn chứng khoán. Mức giá cuối cùng mà nhà đầu tư nhìn thấy được trên bảng giao dịch điện tử chính là 3.400 đồng/CP.

(Theo Dân Việt)