Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, tiếp nhận không ít trường hợp trẻ em trong độ tuổi học sinh bị thương nặng do tai nạn giao thông. Đặc biệt, gần đây, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An liên tiếp tiếp nhận trẻ bị chấn thương nặng do trẻ điều khiển xe máy, xe đạp điện va chạm với các phương tiện khác.

Theo Tiến sĩ Trần Văn Cương, Phó giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, xe đạp, máy điện là phương tiện được nhiều gia đình mua cho con em mình để tiện đi học, do loại phương tiện này không cần bằng lái xe, học sinh cấp 3 đi được. Tuy nhiên, một số em thiếu ý thức, thiếu hiểu biết khi tham gia giao thông bằng phương tiện này có thể gây ra tình trạng mất an toàn cho bản thân và cộng đồng.

hoc sinh ATTG.png
Hình ảnh học sinh vi phạm luật giao thông dễ bắt gặp trên nhiều tuyến đường. 

Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trung bình mỗi năm có 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông, trong đó 90% số vụ tai nạn liên quan đến học sinh. 

Tình trạng học sinh THCS, THPT đi học bằng xe máy điện, xe máy, xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng, không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, kéo đẩy xe khác, sử dụng điện thoại khi lái xe, đặc biệt là hành vi điều khiển phương tiện khi chưa có giấy phép lái xe diễn ra khá phổ biến, làm gia tăng nguy cơ TNGT.

Lý giải nguyên nhân vì sao trẻ có nguy cơ bị tai nạn giao thông, các bác sĩ khoa Cấp cứu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, nhận định do ý thức của trẻ về an toàn giao thông (ATGT) chưa cao. Trẻ em là lứa tuổi chưa có nhận thức đầy đủ, do đó trẻ có thể băng qua đường bất ngờ, không quan sát, đùa nghịch, đu bám tàu xe, đá bóng dưới lòng đường, đi xe đạp dàn hàng ngang, vượt trước mũi ô tô, xe máy, hoặc lên xuống xe không quan sát trước sau nên dễ bị va quệt.

Một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng là người lớn bất cẩn, thiếu ý thức phòng tránh TNGT cho trẻ. Không ít gia đình để trẻ nhỏ đứng, ngồi đằng trước xe máy, ngồi trên xe ô tô không thắt dây an toàn; không đội mũ bảo hiểm cho trẻ em; chở người quá quy định trên một phương tiện giao thông xe máy, ô tô, thuyền… ; phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách hay do uống rượu bia không kiểm soát được tốc độ.

Ông Phan Huy Chương, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Nghệ An, nhấn mạnh Nghệ An với diện tích rộng lớn, mạng lưới giao thông đa dạng, phức tạp, nên công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông luôn được xem là một trong những giải pháp quan trọng; góp phần vào việc giảm tai nạn giao thông trên địa bàn liên tục nhiều năm qua.

Ban ATGT tỉnh đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông, nâng cao nhận thức về ATGT cho học sinh tới trường, giúp các em học sinh nắm rõ, nhận thức được các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông và kỹ năng điều khiển phương tiện giao thông an toàn, ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT và xây dựng văn hóa giao thông.

Hạn chế nguy cơ tai nạn giao thông ở trẻ em bằng cách:

-  Bản thân bố mẹ trẻ phải là tấm gương và nhắc nhở, xây dựng cho con em mình có nhận thức và hành vi văn hóa giao thông ngay từ khi còn nhỏ.

-  Không cho trẻ chơi đùa dưới lòng đường hoặc gần đường giao thông, vỉa hè khu vực đỗ ô tô; phải chú ý quan sát xung quanh trước khi qua đường…

-  Dạy trẻ các kỹ năng đi xe đạp, kỹ năng xử lý tình huống trên đường; nhường đường cho người đi bộ; dừng và đi theo tín hiệu đèn giao thông

-  Chú ý cho trẻ em đi xe vừa với tầm vóc của mình; không cho trẻ dưới 12 tuổi đi xe đạp và trẻ dưới 18 tuổi đi xe máy ra đường; luôn giúp trẻ bảo đảm xe hoạt động tốt; đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông;; không lạng lách, đánh võng trên đường; không dàn hàng ngang, đi đúng phần đường, đúng tốc độ cho từng loại xe; tuân thủ đúng các loại biển báo.

-  Thường xuyên cho trẻ tìm hiểu về Luật An toàn giao thông, thi thực hành các kỹ năng tham gia giao thông để giúp trẻ có thói quen tốt, tuân thủ pháp luật về ATGT ở mọi lúc, mọi nơi.

Văn Giáp và nhóm PV, BTV