Huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94.000ha, trong đó rừng tự nhiên trên 79.000ha. 

Thời gian qua, nhằm triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ rừng tại gốc, tại các khu vực trọng điểm thuộc xã Lâm Hóa, Thanh Hóa, Thanh Thạch, Kim Hóa, Thuận Hóa, Cao Quảng, vùng giáp ranh tỉnh Hà Tĩnh, khu vực biên giới, rừng đầu nguồn Khe Nét, Khe Rái, Khe Núng và diện tích rừng tạm giao UBND các xã quản lý, các tuyến đường bộ, đường sông... UBND huyện Tuyên Hóa thường xuyên chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các tổ chốt chặn, kiểm tra, giám sát, truy quét lâm tặc. 

Ảnh 1: Huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình có diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên 94.000ha, trong đó rừng tự nhiên trên 79.000ha.
Huyện Tuyên Hóa có diện tích rừng tự nhiên trên 79.000ha. Ảnh: X.Vương.

Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện có gần 26ha rừng bị phá, đã điều tra, xác minh và xử phạt vi phạm hành chính 32 vụ phá rừng trái pháp luật. Các lực lượng chức năng, chủ rừng đã lập biên bản và xử lý 72 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp; lâm sản tịch thu, tạm giữ trên 53m3 gỗ các loại; phương tiện tịch thu, tạm giữ 4 xe mô tô, 12 máy cưa xăng xách tay, nộp ngân sách trên 300 triệu đồng...

Được giao quản lý trên 29.000ha rừng tự nhiên trên địa bàn các xã: Thuận Hóa, Kim Hóa, Thanh Hóa, Hương Hóa và Lâm Hóa, ngay từ đầu năm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Tuyên Hóa đã xây dựng các kế hoạch, phương án kiểm tra, bảo vệ rừng.

Tham mưu thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, truy quét lâm tặc tại vùng giáp ranh, đầu nguồn còn giàu tài nguyên rừng; tổ chức nhiều cuộc tuần tra, truy quét trên lâm phần quản lý. Đơn vị đã chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép và phòng chống cháy rừng.

Ngay từ đầu năm, đơn vị đã tổ chức 145 đợt tuần tra, kiểm tra, trong đó, có 115 đợt tuần tra dài ngày, 30 đợt tuần tra ngắn ngày. Qua kiểm tra, lực lượng bảo vệ rừng của đơn vị đã phát hiện và thu giữ 0,48m3 gỗ nhóm VII, 1 khẩu súng tự chế. 

Công tác giao khoán quản lý bảo vệ rừng theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững thực hiện 19.000ha, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt 5.850ha. Nhờ công tác khoán rừng cho các tổ chức, cá nhân bảo vệ đã góp phần ngăn chặn tình trạng xâm hại đến rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, bảo đảm độ che phủ rừng…

Lâm Hóa là xã có độ che phủ rừng cao, đạt 93,5%. Toàn xã có gần 10.000ha rừng và đất lâm nghiệp, rừng sản xuất có trên 3.700ha, rừng phòng hộ và các loại rừng khác gần 6.400ha.

Địa hình rừng nơi đây khá phức tạp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, số người sống phụ thuộc vào rừng khá lớn nên công tác bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thực hiện công tác bảo vệ rừng tự nhiên, thời gian qua, UBND xã Lâm Hóa đã phối hợp với các lực lượng chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra nhằm phát hiện, ngăn chặn và kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực lâm nghiệp, nhất là công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, bảo vệ rừng nên thời gian qua, trên địa bàn không xảy ra cháy rừng. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp cũng được phát hiện, xử lý kịp thời. 

Ảnh 2: Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng liên quan nên công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, PCCCR trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực.
Các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nên công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đạt nhiều kết quả tích cực. Ảnh: X.Vương.

“Thời điểm nắng nóng, xã đã chỉ đạo thành lập 3 chốt ở cửa rừng, nơi có nguy cơ cháy cao, tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ để kiểm soát, nắm bắt thông tin, tuyên truyền cho người dân ra vào rừng. Nếu xảy ra cháy, các tổ chức, đoàn thể và các thôn, bản được điều động kịp thời triển khai tham gia chữa cháy rừng”, Bí thư Đảng ủy xã Lâm Hóa - Nguyễn Văn Phúc cho biết.

Không chỉ làm tốt công tác bảo vệ rừng, huyện còn đẩy mạnh phục hồi rừng tự nhiên. Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện đã trồng 150.000 cây xanh, vận động người dân chuyển đổi sang trồng hơn 80ha rừng tập trung cây bản địa, 25ha cây phân tán với các loài có giá trị như: Dổi, lim, lát hoa, vàng tâm, gáo…, nâng tổng diện tích rừng cây bản địa toàn huyện trên 500ha.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa - Đinh Tiến Dũng cho biết: “Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, chính quyền, chủ rừng và sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan chức năng liên quan nên công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả tích cực. Diện tích rừng tự nhiên cơ bản được bảo vệ tốt, các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp ngày càng giảm”.

Hải Sâm