Một trong những vấn đề quan trọng đáng chú ý trong phát biểu tại cuộc gặp mặt, chúc Tết các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là: "Đổi mới, làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 14 - nhiệm kỳ 2026 - 2031; xây dựng dự thảo các văn kiện trình Đại hội 14 của Đảng".
Có lớp tre già, lớp bánh tẻ và lớp măng non
Có thể thấy, trong tiến trình chính trị đương đại của Việt Nam, sự chuyển tiếp nhịp nhàng các thế hệ có từ truyền thống Đảng ta. “Thế hệ trước ân cần dìu dắt thế hệ sau và thế hệ sau kế tục trung thành sự nghiệp của thế hệ trước” như trong những lời tuyên dương công trạng to lớn về ba nhà lãnh đạo tiền bối Trường Chinh, Phạm Văn Đồng và Lê Đức Thọ tại Đại hội 6.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng khẳng định công tác cán bộ được tiến hành bài bản, thận trọng với phương châm có sự đan xen nhiều thế hệ, lứa tuổi. "Công tác nhân sự của Đảng giống búi tre có lớp tre già, lớp bánh tẻ và lớp măng non", Tổng Bí thư ví von.
Điều này cho thấy sự chuyển tiếp thế hệ (chuyển tiếp quyền lực) trong Đảng luôn diễn một cách khoa học, nhịp nhàng, có giá trị truyền thống.
Hai nội dung quan trọng nhất của mỗi nhiệm kỳ Đại hội Đảng là thảo luận, quyết định đường lối, nhiệm vụ chính trị của Đảng (thông qua các văn kiện) và bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Đảng (công tác nhân sự). Trong đó quy hoạch nhân sự là khâu mở đầu rất quan trọng.
Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, công tác quy hoạch nhân sự vào Ban Chấp hành Trung ương khóa mới được Đảng ta rất quan tâm, chuẩn bị từ sớm. Nếu như trước đây, vấn đề này được tiến hành ở Hội nghị Trung ương 9 khóa 12 thì với khóa này, Đảng ta tiến hành sớm hơn ở Hội nghị Trung ương 8 vừa qua.
Đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng là nhân tố quan trọng góp phần thực hiện thành công chiến lược phát triển của đất nước trong tình hình mới. Thời điểm này, cũng chính là giai đoạn có tính chất bước ngoặt quan trọng trong việc sắp xếp, định hình đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Đây cũng là thời điểm chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, chủ yếu được đào tạo ở trong nước và tại các nước xã hội chủ nghĩa trước đây, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau”.
Do đó, làm tốt công tác quy hoạch nhân sự cấp cao của Đảng cũng chính là tạo ra quá trình chuyển tiếp, chuyển giao quyền lực một cách nhịp nhàng, không xáo trộn, biến động.
Trong bất cứ thời kỳ cách mạng nào, bất kỳ lĩnh vực nào, địa phương nào, cán bộ cũng đóng vai trò quyết định. Cán bộ không chỉ là khâu then chốt trong công tác xây dựng Đảng mà còn là mắt xích trọng yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng, nhân tố quyết định sự thành công của các mạng.
Vì vậy, cán bộ được quy hoạch ủy viên Trung ương phải là cán bộ tiêu biểu về trí tuệ, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống và năng lực công tác, có uy tín cao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đang đảm nhiệm.
Quy hoạch “động” và “mở”
Quy hoạch ủy viên Ban chấp hành Trung ương là một bước chuẩn bị rất quan trọng với mục đích là tạo nguồn cán bộ dồi dào, phong phú giúp Đảng xem xét và có nhiều lựa chọn, phục vụ cho công tác nhân sự khóa tới.
Phương châm thực hiện quy hoạch “động” và “mở”, định kỳ ra soát, đưa ra khỏi quy hoạch những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện; bổ sung vào quy hoạch những nhân tố mới. Đây là công việc thường xuyên, bình thường trong công tác cán bộ của Đảng ta như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh trong các cuộc họp, hội nghị.
Như vậy, quy hoạch ủy viên Ban Chấp hành Trung ương là bước mở đầu, khi xong sẽ là cơ sở để Đảng ta tiến hành quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư và cuối cùng là đến các chức danh chủ chốt.
Theo như người đứng đầu Đảng ta đã từng phát biểu: Đây chưa phải là “làm nhân sự” cụ thể cho nhiệm kỳ tới nhưng là một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 14 của Đảng. Trong công tác cán bộ thì quy hoạch là khâu mở đầu, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho công tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước mắt và lâu dài.
Đây là vấn đề “xây dựng con người, rất tế nhị, nhạy cảm, có liên quan đến tư tưởng, tâm lý, lợi ích rất cụ thể của cán bộ, đảng viên. Do đó, không thể tiến hành một cách nôn nóng. Trái lại phải rất chú ý cách làm, bước đi và phải có nhận thức sâu sắc, dày công chăm lo cho công tác này, cần thực hiện đúng nguyên tắc quy định, quy chế, quy trình, tiến hành từng bước, từng việc, từng khâu một cách kỹ lưỡng thận trọng.
Nhưng cũng không vì thế mà bỏ lỡ một số trường hợp “xanh vỏ đỏ lòng” như lời phát biểu của người đứng đầu Đảng ta tại Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi. Nói như vậy để thấy rằng, công tác nhân sự cấp cao của Đảng rất thận trọng, động và mở.
Có thể khẳng định, cán bộ quy hoạch Ủy viên Trung ương là “những cán bộ nòng cốt, hạt nhân của Đảng, vốn quý của cách mạng, những người con ưu tú của nhân dân” Đảng ta đã chủ động tiến hành sớm hơn trên cơ sở các quy định đã ban hành tương đối đầy đủ, chặt chẽ cũng như kế hoạch, lộ trình thực hiện mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo vào tháng 7/2023 vừa qua.
Chắc chắn rằng, trong thời gian tới với kinh nghiệm và bản lĩnh của Đảng gần đây về công tác cán bộ và công tác xây dựng Đảng uy tín, năng lực và niềm tin của Đảng ngày càng được khẳng định, đội ngũ kế cận của Đảng trong tương lai sẽ có những nhân tố mới, đáp ứng được yêu cầu của thời cuộc cũng như sự trông đợi từ quần chúng, nhân dân.
Chúng ta tin tưởng rằng, với đội ngũ cán bộ, lãnh đạo được quy hoạch tốt trong giai đoạn mới nhiều bản lĩnh và tài năng, có sự chỉ dẫn, kế thừa, Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục lãnh đạo đất nước phát triển hùng cường, đưa dân tộc vươn lên một tầm cao mới và luôn xứng đáng “Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, dân tộc trường tồn” mà Tổng Bí Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định.