- Ở xã Yên Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam có không ít đại gia nông dân bán lúa giống kiếm hàng trăm triệu mỗi năm. Họ trở thành những "đại gia bán lúa giống" trong một mô hình liên kết sản xuất, cung ứng theo chuỗi.

Chỉ tay vào dàn nông cụ trong kho của gia đình, anh Tuấn, chị Hiên tự hào giờ họ không thiếu thứ nào từ máy bơm nước, máy làm đất, máy tuốt lúa, xe chở nông sản để canh tác ruộng đồng. Anh Tuấn ví von là có đủ thứ từ "A đến Z".

Bây giờ phát triển rồi, mình không thể làm tay như thời các cụ được. Có đầu tư mới có thu chứ, anh Tuấn chia sẻ.

Từ khởi nghiệp chỉ có một mẫu ruộng, canh tác không thấm tháp vào đâu, nay họ trở thành một trong những "đại gia bán lúa giống" ở thôn Đôn Lương của xã Yên Bắc có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Giá trị sản xuất đáng kể này gắn rất nhiều với việc tham gia vào chuỗi tổ chức sản xuất trong HTX Yên Bắc. Họ trồng và bán lúa giống theo đơn đặt hàng của HTX.

{keywords}

Ông Bùi Văn Nguyên, GĐ HTX Yên Bắc bên cánh đồng lúa giống mẫu của các xã viên

Gia đình anh Tuấn, chị Hiên cũng như nhiều xã viên khác được HTX cung cấp đầu vào giống lúa siêu nguyên chủng của công ty Nam Dương (ở Đồng Văn). HTX tổ chức các xã viên cùng trồng theo cánh đồng mẫu, áp dụng máy móc công nghệ trong trồng trọt, đầu ra được tổ chức bao tiêu theo đơn đặt hàng của các công ty.

Vậy mà không dễ tiếp thu, nhất là việc áp dụng công nghệ trồng năng suất lớn.

"Đầu tiên nhìn chán vì máy trồng thưa. Nhưng ông Giám đốc HTX bảo, chị cứ yên tâm. Rồi không biết nó hóa hiện kiểu gì lúa tốt quá cơ. Cây lúa cứng, đẻ khỏe, 18- 20 bông một bụi" - chị Hiên nhớ ngày đầu được trồng lúa bằng máy.

{keywords}

Cấy lúa bằng máy không còn xa lạ với nông dân Yên Bắc. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Hà Nam

Năng suất cao, bán được giá, lại không lo ế vì đã có công ty bao tiêu đầu ra, gia đình chị Hiên mạnh tay làm tới. Thuê thêm 4 mẫu ruộng của HTX, mỗi năm 2 vụ nhà chị thu hoạch 20 tấn thóc giống.

Đều đều mỗi năm gia đình chị thu về 400 triệu đồng, trừ chi phí, vợ chồng chị bỏ túi 200 triệu. Khác hẳn cảnh cách đây 10 năm, mỗi lần chuẩn bị cho vụ mùa, gia đình anh phải đi vay vốn để làm. Bây giờ chưa đến vụ mùa trong nhà đã đủ giống má, phân đạm không phải mua chịu đồng nào.

Không chỉ lúa giống, HTX Yên Bắc còn mang giống dưa chuột, dưa bao tử về cung cấp cho các xã viên trồng theo đơn hợp đồng bao tiêu của các công ty. Không ít xã viên có cơ hội tăng gia sản xuất, kiếm thêm thu nhập. Như nhà chị Hiên, diện tích trồng dưa ít hơn lúa nhưng thu nhập không thua kém gì lúa giống.

Không bằng cấp chuyên môn cao siêu về nông nghiệp, mấy chục năm làm nông khiến anh Tuấn, chị Hiên như những chuyên gia thực thụ. Anh Hiên vui vẻ nói về vợ: "Mẹ nó chỉ có vầy đất thôi mà mấy bằng khen đấy". Có lần tỉnh Hải Dương mời anh Tuấn về làm tư vấn cho các xã viên trồng dưa chuột trả 10 triệu/tháng nhưng anh không làm vì nhà không thiếu việc.

Bao tiêu toàn xã

Ở Yên Bắc không ít nông dân đại gia bán lúa giống, nghề trồng lúa giống có kinh nghiệm cao tay không phải kỹ sư nào cũng rành bằng. Nhưng như ông Bùi Văn Nguyên, Giám đốc HTX Yên Bắc chia sẻ, quan trọng nhất là có đầu ra sản phẩm. Họ dám làm ăn bạo dạn nhờ có HTX lo dịch vụ sản xuất lúa giống đầu vào, lo cả đầu ra với mức giá cao hơn thị trường từ 800 - 1.200 đồng/kg.

{keywords}

GĐ HTX Yên Bắc Bùi Văn Nguyên

Bên cạnh việc cung ứng giống, bao tiêu cho những nông dân sản xuất lớn từ 5-20 mẫu thu về hàng trăm triệu/ năm, HTX còn là cầu nối của cả 3.600 xã viên trong toàn xã. Bình quân mỗi xã viên có 1,3 sào ruộng để trồng lúa giống, hoa màu các loại. Năm 2014, xã viên bội thu lúa giống với sản lượng lên đến hơn 502 tấn, thu về hơn 4,7 tỷ đồng. HTX còn kí các hợp đồng thu mua trên 70 tấn dưa chuột, dưa bao tử xuất khẩu.

HTX luôn chủ động tìm tòi các nguồn giống tốt mang về cho các xã viên sản xuất đại trà. Nhờ vậy đã tăng thêm thu nhập cho các hộ từ 600 - 700 triệu đồng và có lãi bổ sung vào quỹ HTX”, ông Nguyên cho hay.

Nông dân Yên Bắc ít gặp phải tình trạng được mùa, mất giá, được giá mất mùa như nhiều nơi khác là nhờ vào sự thương thảo, quyết liệt của HTX. Không ít lần các công ty muốn ép giá nông sản nhưng HTX luôn cứng rắn.

Bên cạnh việc tìm các đối tác có năng lực tài chính, uy tín, hợp đồng thu mua bao giờ HTX cũng làm chặt chẽ và có ràng buộc trách nhiệm các bên rõ ràng. Mình buông xuôi là họ ép giá ngay hoặc kí rồi không mua, ông Nguyên kể.

Ngoài dịch vụ sản xuất lúa giống, tiêu thụ nông sản, HTX còn cung cấp các dịch vụ bảo vệ thực vật, bảo vệ thủy nông, khuyến nông, làm đất, thú y, cung ứng giống vật tư. Đến nay, vốn điều lệ của HTX lên đến 1,5 tỷ đồng với tổng doanh thu hàng năm hơn 8 tỷ, song lợi nhuận chỉ ở mức 35 triệu. Đây cũng là trăn trở của chính Giám đốc HTX.

{keywords}

Ông Đinh Văn Đâu, thủy nông viên của HTX đang đắp lại bờ mương để giữ nước cho cánh đồng lúa

Ông Nguyên vui mừng khi HTX giúp nông dân tăng thêm thu nhập nhưng lại tâm tư khi đời sống của chính những người trực tiếp làm trong HTX lại khó khăn. Bởi theo quy định hiện nay, tiền phụ cấp của cán bộ làm HTX dựa vào chính lợi nhuận làm ra, trong khi nhiệm vụ chính của HTX vẫn là hỗ trợ xã viên sản xuất, có kinh doanh lời cũng rất ít.

Được tiếng trình độ đại học, lại làm giám đốc rất oai nhưng lương của ông giám đốc HTX chỉ có 3 triệu đồng/tháng, thua cả công nhân. “Làm HTX là một sự hy sinh ghê gớm", ông Nguyên tâm tư về đời gắn với HTX của mình.

Thu Hằng - Ảnh Phong Doanh