Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh, xe công và các các tài sản công khác đều có lãng phí. Tới đây, chế tài mới sẽ bắt buộc người gây ra lãng phí phải bồi hoàn lại cho Nhà nước.
Sử dụng lãng phí xe công hay tài sản công nói chung vẫn đang là một vấn đề nhức nhối trong dư luận xã hội khi gần đây đã xuất hiện nơi thừa, nơi thiếu, sử dụng sai mục đích, công năng.
Để làm rõ hơn vấn đề, Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietNamNet mời ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó cục trưởng Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính chia sẻ.
Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:
Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, vừa qua, báo chí đã rộ lên thông tin dư thừa tới 7.000 xe công nhưng các bộ ngành địa phương vẫn sắm mới 600 xe. Xin ông cho biết rõ, thực hư câu chuyện này thế nào?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Con số 7.000 xe dư ra là do căn cứ vào tiêu chuẩn định mức cũ và tiêu chuẩn định mức mới. Cuối năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32, quy định về tiêu chuẩn, định mức đối với sử dụng xe công, theo đó, định mức xe ô tô được quy định cụ thể theo hướng thắt chặt xe. Do vậy, số xe hiện có khi căn vào tiêu chuẩn định mức mới thì dư ra 7.000 xe.
Có nghĩa là, không phải do các bộ địa phương mua sắm, quản lý thừa so với tiêu chuẩn định mức. Ta lấy định mức cũ, chuyển sang hệ thống định mới nên mới có con số 7.000 xe như vậy.
Còn ở năm 2015, các nơi mua sắm hơn 600 xe ô tô, là bởi tại thời điểm đó, chúng ta chưa có rà soát, xác định lại vấn đề xe công theo tiêu chuẩn, định mức của Quyết định 32. Do vậy, việc mua sắm hơn 600 xe này thì vẫn thực hiện theo quy định trước của pháp luật.
Tuy vậy, trong quá trình quản lý trên thực tế, chúng tôi cũng thấy có hiện tượng sử dụng chưa đúng mục đích đối với xe công. Ví dụ sử dụng xe công vào mục đích cá nhân, đi đám cưới, đám hỏi... hoặc số lượng xe ở từng đơn vị vượt quá định mức được phép.
Trong vấn đề này, các cơ quan, đơn vị sử dụng xe công và người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị này chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý, sử dụng xe, tài sản công nói chung, đảm bảo phải đúng tiêu chuẩn, định mức và phù hợp.
Nhà báo Phạm Huyền: Tình trạng lãng phí ở xe công thì đã rõ, vậy tại các tài sản công nói chung thì hiện tượng tương tự này diễn ra như thế nào?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Tài sản công của ta có phạm vi rất rộng. Theo quy định của Hiến pháp, đất đai, tài nguyên thiên nhiên, các tài sản do Nhà nước đầu tư quản lý được coi là tài sản công, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước làm đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
Ngoài xe công, chúng ta còn các trụ sở làm việc, các cơ sở hoạt động sự nghiệp, các máy móc, trang thiết bị, tài sản kết cấu hạ tầng, tài sản dự trữ... Có 8 nhóm tài sản thuộc tài sản công.
Câu chuyện ở ô tô công cũng có thể xảy ra đối với các tài sản công khác. Chẳng hạn như các hiện tượng sử dụng sai mục đích, lãng phí như các cơ quan đơn vị sử dụng trụ sở để bố trí chỗ ở các cán bộ nhân viên, sử dụng trụ sở để cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết đối với các tổ chức cá nhân khác thuộc trường hợp không được phép.
Nhà báo Phạm Huyền: Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính nghiên cứu chủ trì xây dựng Luật Quản lý và sử dụng tài sản công. Vậy dự Luật này sẽ giải quyết tình trạng lãng phí này ra sao?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Chúng tôi xác định, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công là biện pháp căn cơ để khắc phục tình trạng sử dụng tài sản lãng phí.
Câu chuyện thất thoát, lãng phí hay không là phụ thuộc vào tiêu chuẩn, định mức. Đây là cái để chúng ta căn cứ vào đó, xác định sử dụng hiệu quả, tiết kiệm hay lãng phí nên trước hết, phải hoàn thiện hệ thống định mức.
Theo dự luật này, các định mức sử dụng tài sản công đối với tài sản lớn sẽ do Chính phủ ban hành, thay vì Thủ tướng ban hành như bây giờ. Chúng tôi đã chuẩn bị dự thảo Nghị định về định mức sử dụng các tài sản thuộc thẩm quyền của Chính phủ để trình kèm dự án luật.
Ngoài ra, trong dự án luật, còn có nhiều giải pháp khác như về mua sắm thì sẽ phải mua sắm tập trung đối với tài sản lớn sử dụng phổ biến... Đặc biệt, chúng tôi đưa ra quy định về chế độ tránh nhiệm phải công khai tài sản công, quy định trách nhiệm giám sát của cộng đồng đối với tài sản công, trong đó, Mặt trận Tổ quốc sẽ chủ trì việc này.
Từ việc công khai đến việc giám sát cộng đồng như vậy thì việc quản lý các tài sản công sẽ hiệu quả hơn.
Chưa kể, về chế tài, chúng tôi cũng đưa ra một chế tài mới là trước hết, đối với hành vi vi phạm pháp luật về tài sản công thì người vi phạm phải bồi hoàn cho Nhà nước phần giá trị gây ra lãng phí, thiệt hại. Cùng đó là mới đến xử lý hình sự, hay xử lý hành chính, kỷ luật thực hiện theo quy định liên quan. Đây là các giải pháp căn bản đã được thể hiện trong dự thảo Luật này để đảm bảo việc quản lý sử dụng tài sản tiết kiệm chống lãng phí.
Nhà báo Phạm Huyền: Ông đã nhấn mạnh yếu tố công khai, minh bạch. Vây việc này sẽ được các bộ ngành địa phương phải có trách nhiệm thực hiện như thế nào?
Ông Nguyễn Tân Thịnh: Nội dung công khai cái gì, sẽ theo các cấp độ khác nhau, như cấp Chính phủ, cấp Bộ Tài chính công khai cái gì, cấp tỉnh, cấp bộ công khai cái gì? Vậy thì, theo quy định, từ việc đầu tư mua sắm, dự toán cho đầu tư xây dựng mua sắm đến kết quả ra sao thì phải thực hiện công khai.
Cách thức công khai hiện nay, theo quy định, có nhiều cách, như đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, công bố tại các cuộc họp tại các cơ quan, báo cáo bằng văn bản đối với cơ quan quản lý cấp trên. Cuối năm, hiện nay ngoài công khai về mặt tài chính thì các cơ quan đơn vị có sử dụng tài sản công hàng năm phải công khai việc này.
Sắp tới nội dung cụ thể của việc công khai này và hình thức công khai tương ứng nội dung đó như thế nào sẽ được thể hiện ở Nghị định của Chính phủ. Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để các thông tin này được kịp thời và đầy đủ.
VietNamNet