Xã Giao Thịnh (huyện Giao Thủy, Nam Định) có tuyến đường quốc lộ 37B, tỉnh lộ 489b. Sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, diện mạo hoàn toàn thay đổi, văn minh, khang trang hơn, đời sống người dân được đảm bảo .Các tuyến đường cây xanh tươi tốt. Lề đường được trồng hoa và có hệ thống điện chiếu sáng về đêm. Hệ thống giao thông thông thương với các xã, hệ thống thủy lợi và đường nội đồng thuận tiện. Nhân dân thấy được sự lan tỏa và hài lòng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Giao Thịnh là xã thuần nông. Người dân nơi đây có truyền thống trồng lúa nước từ lâu đời, luôn lao động cần cù, sáng tạo. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, lấy dân làm gốc, địa phương đã phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ.
Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh - Lê Ngọc Đóa cho hay, thực hiện xây dựng nâng cao và duy trì, phát triển các tiêu chí nông thôn mới để đáp ứng với sự phát triển của xã hội, của đất nước là nhiệm vụ thường xuyên hàng năm. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại địa phương, chúng tôi chú trọng xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm được hiện đại hoá, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt cũng như phát triển kinh tế xã hội
Điểm nổi bật trong quá trình xây dựng nông thôn mới của xã Giao Thịnh là huy động được sức mạnh tổng hợp cả về vật chất, tinh thần, trí tuệ từ các nguồn lực của địa phương, sự đóng góp tự nguyện của nhân dân và tấm lòng vàng của những người con quê hương trên mọi miền đất nước. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, xã đã huy động được trên 326 tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất trường học, trạm y tế và các thiết chế văn hoá theo hướng Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp; Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao, niềm tin của nhân dân vào Đảng, chính quyền được củng cố đó là minh chứng rõ nét cho sức mạnh của sự đoàn kết.
Công tác quốc phòng an ninh được giữ vững. Công an xã đã xây dựng các mô hình về phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội; TTATGT, tổ liên gia PCCC và cứu nạn, cứu hộ; hệ thống camera giám sát an ninh. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hoạt động thường xuyên có hiệu quả. Trong ảnh là hệ thống camera giám sát an ninh các tuyến đường trong xã Giao Thịnh.
Ông Lê Ngọc Đóa, Huyện ủy viên, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cho biết: Toàn xã có 11 xóm gồm 3.211 hộ dân với 9.643 nhân khẩu, chuyên nghề trồng lúa, trồng màu, nuôi trồng thủy sản, khai thác, đánh bắt hải sản trên biển. Những năm gần đây xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, khai thác tiềm năng, thế mạnh của vùng sản xuất nông nghiệp, mở rộng ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ gắn với mục tiêu chương trình xây dựng NTM. Trong ảnh: nhân dân trong xã đến trụ sở UBND giải quyết các thủ tục hành chính công.
Bên cạnh đó, xã Giao Thịnh còn có một mô hình phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả theo hướng tích hợp đa giá trị là Bảo tàng Đồng Quê ở thôn Bỉnh Di. Nơi đây đang lưu trữ, trưng bày, bảo quản, giới thiệu hơn 10.000 hiện vật quý giá về nông cụ, ngư cụ, nghề thủ công, nghề làm muối, đồ dùng sinh hoạt, nếp nhà cổ xưa, hàng nghìn đầu sách, đủ các chủng loại.
Bảo tàng Đồng quê (xã Giao Thịnh, huyện Giao Thủy) đang lưu giữ hàng nghìn hiện vật có giá trị lịch sử về làng quê Bắc bộ. Bảo tàng do nhà giáo Ngô Thị Khiếu cùng chồng là Thiếu tướng Hoàng Kiền sáng lập. Theo Ban quản lý bảo tàng, năm 2011 công trình được khởi công. Đến cuối năm 2012, bảo tàng được hoàn thành giai đoạn một, bắt đầu mở cửa và đến năm 2015 thì chính thức hoàn thiện. Năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao chứng nhận bà Ngô Thị Khiếu là người sáng lập Bảo tàng Đồng quê đầu tiên ở Việt Nam.
Những dụng cụ làm nông thời xưa - nét đặc trưng của làng quê Bắc Bộ tại bảo tàng. Khuôn viên tầng triệt của bảo tàng là nơi trưng bày kỷ vật chiến trường của Thiếu tướng Hoàng Kiền và nhiều tư liệu quý về Quân đội nhân dân Việt Nam. Tại đây còn trưng bầy nhiều hiện vật, mô hình về đường Trường Sơn, biển đảo Tổ quốc, Binh chủng Công binh, đường tuần tra biên giới. Đã nhiều năm nay Bảo tàng Đồng Quê đều đặn mở cửa đón khách đến tham quan, trải nghiệm từ thứ ba đến chủ nhật hàng tuần. Có thể nói đây là mô hình hay, tâm huyết, sáng tạo, mang đậm bản sắc truyền thống, tình yêu quê hương, đất nước.
Là một trong những xã sớm đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới ngay từ năm 2015, với tiềm lực vốn có, xã Giao Thịnh càng đẩy mạnh hơn nữa phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã đặc biệt coi trọng việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí về môi trường. Trước đây, trên địa bàn xã, lượng rác thải phát sinh hàng ngày rất lớn, trong đó chủ yếu là rác thải hữu cơ từ hoạt động sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp. Xã đã thành lập tổ dịch vụ vệ sinh môi trường, tổ chức tập trung rác thải tại các địa điểm quy định, vận chuyển tới nơi tập kết rác thải của xã để xử lý tập trung.
Để thực hiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao, xã Giao Thịnh đã triển khai thực hiện mô hình "Thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt và xử lý rác thải hữu cơ làm phân bón tại hộ gia đình". Theo đó, việc thu gom, xử lý rác thải hữu cơ, trên địa bàn toàn xã thực hiện thu gom rác thải sinh hoạt 2 ngày/lần. Hiện nay, địa phương đã đăng ký mua 1.200 thùng rác thải riêng biệt kết hợp vận động nhân dân sử dụng bể xử lý rác hữu cơ sử dụng chế phẩm sinh học để làm phân bón. Phấn đấu 85% số dân các xóm Thanh Trì, Mộc Đức, Du Hiếu và những xóm còn lại có 50% hộ dân có bể xử lý rác hữu cơ có nắp đậy, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Từ khi được tập huấn, hướng dẫn và hỗ trợ vật tư để ủ rác thải hữu cơ thành phân bón, các hộ dân đã có thói quen phân loại rác thải sinh hoạt, thực hiện đúng theo kỹ thuật ủ rác hữu cơ. Qua đó tạo ra nguồn phân bón hữu cơ tơi xốp dùng để bón cho cây cảnh, các loại rau trong vườn nhà, giúp tiết kiệm được tiền mua phân bón. Cũng nhờ phân loại, xử lý rác thải tại nguồn mà lượng rác phải chở đi xử lý giảm đáng kể.
Xã cũng hoàn thành việc gắn biển số nhà theo chương trình đại chỉ số trong năm 2023
Sau 10 năm xây dựng Nông thôn mới, diện mạo xã Giao Thịnh (huyện Giao Thủy, Nam Định) hoàn toàn thay đổi, văn minh, khang trang, đời sống người dân được đảm bảo. Đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa và bê tông hóa đạt chuẩn 6,82km, đạt 100%; đường trục thôn xóm được cứng hóa bằng bê tông và nhựa đạt chuẩn 26,74km/26,74km; đường trục chính nội đồng 8,82 km/8,82 km…
Tiến Dũng, Đoàn Bổng, Quang Phong, Việt Hùng và nhóm BTV