Được xem là “điểm nóng” của huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, xã Ái Quốc có 9 thôn với 2.119 nhân khẩu, trong đó có tới 96,63% người Dao.
Là xã đặc biệt khó khăn, cái đói, nghèo, lạc hậu là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Vì vậy, nhiều năm qua, xã Ái Quốc đã được các cấp, các ngành, địa phương và tỉnh quan tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy lùi tình trạng này.
Thực hiện mục tiêu chấm dứt tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, UBND xã đã chỉ đạo các tổ chức, bộ phận liên quan trong xã và các thôn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thuyết phục bà con chấp hành nghiêm các quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình.
Đầu năm 2021, UBND xã Ái Quốc thành lập Ban Chỉ đạo cấp xã triển khai thực hiện việc giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, đồng thời chỉ đạo thành lập ban vận động ở các thôn. Đến nay, 9/9 thôn của xã đã thành lập ban vận động và hoạt động có hiệu quả.
Nhận thức của người dân được nâng lên cũng góp phần tác động tích cực đến việc xây dựng đời sống văn hoá trên địa bàn. Minh chứng là hết năm 2022, toàn xã Ái Quốc có 9/9 thôn đạt danh hiệu Văn hoá, 372/481 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hoá, chiếm trên 77%, tăng 2% so với năm 2021.
Đại diện Phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc huyện Lộc Bình cho biết, nhằm thực hiện tốt Kế hoạch số 12 ngày 13/01/2021 của UBND tỉnh về thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021 – 2025” trên địa bàn tỉnh, đơn vị này đã tham mưu UBND huyện lựa chọn xã Ái Quốc để xây dựng mô hình điểm thực hiện đề án.
Hằng năm, tổ chức 1 – 2 cuộc tuyên truyền, tập huấn cho đại diện lãnh đạo xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn bản, chi hội trưởng các đoàn thể. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác thực hiện đề án trên địa bàn. Qua đó, bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Với những kết quả đạt được, chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, củng cố, nhân rộng mô hình ra một số địa bàn vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trong thời gian tới.