Hiện nay, trên địa bàn thị xã Sa Pa có 6 dân tộc sinh sống, gồm: Mông, Dao, Tày, Giáy, Xa Phó và dân tộc Kinh. 

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số, Sa Pa đã thành lập hàng chục đội văn nghệ dân gian tại các xã, bản.

Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, tạo ra bức tranh văn hóa đa sắc màu được thể hiện qua các lễ hội truyền thống như: Lễ hội xuống đồng của dân tộc Giáy, lễ hội hát giao duyên của dân tộc Dao, lễ hội xòe của dân tộc Tày, lễ hội gầu tào của dân tộc Mông.

Mỗi dân tộc lại có một trang phục khác nhau cùng với các làn điệu dân ca - dân vũ và dân nhạc (khèn, sáo, trống, đàn tính...) tạo nên một đặc trưng riêng cho dân tộc mình.

Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số có vai trò quan trọng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, chính vì vậy, những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc được thị xã Sa Pa chú trọng, quan tâm. 

Năm 2022, Sa Pa đã thành lập thêm 6 đội văn nghệ dân gian tại các xã, nâng tổng số đội văn nghệ lên 58; có thêm 01 di sản văn hoá được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia; nâng tổng số di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia trên địa bàn lên 12 di sản. 

Cùng với việc nâng cao chất lượng dạy và học, thị xã cũng đã đưa việc bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc vào các trường học.

Đơn cử như Trường PTDT bán trú TH&THCS Hầu Thào (xã Mường Hoa) đã xây dựng mô hình trường học “Bảo tồn và phát huy văn hóa người Mông gắn với du lịch”. Sau 1 năm triển khai, Mô hình đã phát huy được hiệu quả tích cực, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, tăng tình đoàn kết, gắn bó trong học sinh với cộng đồng, địa phương.

Để thực hiện thành công mô hình, nhà trường đã tuyên truyền, thành lập hội đồng tư vấn về biên soạn tài liệu để lồng ghép, tích hợp các tiết dạy lồng ghép nội dung trường học gắn với thực tiễn; bố trí cho học sinh tìm hiểu về lịch sử và những nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của người Mông tại địa phương cũng như định hướng phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc. 

Ngoài ra, nhà trường biên soạn bộ tiêu chí đánh giá; xây dựng phòng trưng bày các nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông trên địa bàn xã Mường Hoa; khuyến khích học sinh dân tộc mặc trang phục truyền thống vào thứ hai hàng tuần; tổ chức các trò chơi trong các buổi sinh hoạt tập thể; mời phụ huynh tham gia dạy cho học sinh trong câu lạc bộ về thêu thùa,múa, hát…vv...

Đặc biệt, được sự hỗ trợ của địa phương và các cơ quan, ban ngành, nhà trường đã xây dựng phòng trưng bày các nét văn hóa độc đáo của  dân tộc Mông trên địa bàn xã Mường Hoa giúp các em học sinh tìm hiểu về văn hoá dân tộc đồng thời giới thiệu đến bạn bè những nét đẹp truyền thống của dân tộc mình. Từ đó góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, tăng cường sự gắn kết giữa học sinh các dân tộc với nhau. 

Tin, ảnh: Hải Yến