- Theo bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam số 11, quý III năm 2016 do Bộ LĐTBXH kết hợp với Tổng cục Thống kê công bố chiều qua, 2/12 thì so với quý trước đó, số người thất nghiệp tăng cả số lượng và tỉ lệ. Người có trình độ cao đẳng chuyên nghiệp, đại học trở lên có tỉ lệ thất nghiệp cao nhất.

{keywords}
Cả nước có hơn 202 ngàn người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp.

Quý 3/2016, cả nước có 1.117,7 nghìn người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp, tăng 29 nghìn người so với quý 2/2016, song lại giảm 11 nghìn người so với quý 3/2015.

Trong số những người thất nghiệp, 456,1 nghìn người có chuyên môn kỹ thuật; nhiều nhất ở các nhóm “trình độ đại học trở lên” (202,3 nghìn người), “cao đẳng chuyên nghiệp” (122,4 nghìn người) và “trung cấp chuyên nghiệp” (73,8 nghìn người).

Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động cao nhất ở nhóm có trình độ “cao đẳng chuyên nghiệp” (8,36%), tăng mạnh so với quý trước, tiếp theo là nhóm “đại học trở lên” (4,22%) và “trung cấp chuyên nghiệp” (3,79%).

Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên là 7,86%, tăng so với quý 2/2016 và cùng kỳ năm 2015. Riêng tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên thành thị là 8,78%, gấp gần 4 lần tỷ lệ thất nghiệp chung (2,34%).

Số người thất nghiệp dài hạn (trên 12 tháng) chiếm 22,6% tổng số người thất nghiệp.

Quý 3/2016 có 908,7 nghìn lao động có thời gian làm việc dưới 35 giờ/tuần; riêng số người trong độ tuổi lao động thiếu việc làm4 là 774 nghìn, tăng 53 nghìn người so với quý 2/2016 và 14 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Lao động khu vực nông thôn chiếm 85% người thiếu việc làm. Tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi quý 3 là 1,66%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với quý 2/2016.

Kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất

Thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương tăng so với quý 2/2016 và cùng kỳ năm 2015. Quý 3/2016, thu nhập bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương là 4,93 triệu đồng, tăng 80 nghìn đồng (1,7%) so với quý 2/2016, và tăng 326 nghìn đồng (7,1%) so với cùng kỳ 2015.

Đa số lao động làm việc ở các nhóm nghề đều có thu nhập cao hơn quý 2/2016, và cùng kỳ năm 2015, ngoại trừ nhóm CMKT bậc cao giảm so với Q2/2016. Nhóm Nhân viên có mức tăng thu nhập cao nhất.

Quý 3/2016, lao động làm việc trong ngành kinh doanh bất động sản có thu nhập cao nhất, tiếp theo là nhóm Tài chính, ngân hàng, bảo hiểm; chênh lệch so với nhóm thấp nhất (NLTS) giảm, còn 2,40 lần so với 2,42 lần quý 2/2016.

Tính theo loại hình doanh nghiệp, lao động làm việc trong doanh nghiệp nhà nước có thu nhập bình quân tháng cao nhất. Tuy nhiên, lao động trong cả 2 loại hình sở hữu này đều có thu nhập giảm so với Q2/2016, trong khi lao động ở các loại hình khác đều có xu hướng tăng, đặc biệt khu vực “hộ/cá thể” có xu hướng tăng cao nhất.

Quý 3/2016, có 20,3% lao động làm công hưởng lương thuộc nhóm thu nhập thấp3 (dưới 3 triệu đồng/tháng), tăng 4,37 điểm phần trăm so với quý 2/2016.

Lê Văn