Thông tin trong kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024 vừa được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan ký ban hành. 

Ngoài hoạt động truyền thông đươc triển khai trên cả nước, tại Trung ương, Ban chỉ đạo sẽ lập 5 đoàn kiểm tra liên ngành, tiến hành kiểm tra tại 10 tỉnh, thành phố gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình, TP.HCM, Bình Dương, Kon Tum, Gia Lai, Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương có trách nhiệm ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc trước ngày 20/12; thành lập đoàn kiểm tra liên ngành trước ngày 26/12 và tiến hành kiểm tra trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn và Lễ hội Xuân 2024.

W-banhkeo-attp-1.png
Bánh kẹo, các loại mứt... là những thực phẩm được sử dụng nhiều dịp Tết. Ảnh: Hoàng Linh

Các địa phương sẽ tiến hành thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành tại các cấp, từ cấp tỉnh đến cấp xã, chủ động kiểm tra trước, trong và sau Tết và Lễ hội tùy theo đặc thù, điều kiện của từng địa phương từ 20/12/2023 đến 20/3/2024.

Ban chỉ đạo yêu cầu công tác kiểm tra phải trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các mặt hàng được sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán và lễ hội như thịt và các sản phẩm từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, nước giải khát, bánh kẹo,... , và các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.

Theo Bộ Y tế, Tết Nguyên đán là thời điểm tiêu thụ thực phẩm lớn trong năm, nhất là các thực phẩm thịt, cá, trứng, bánh mứt kẹo, rượu bia nước giải khát, các loại hạt có dầu…

Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm gia tăng việc sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm. Giai đoạn này, thời tiết phía Bắc thường ẩm ướt, phía Nam nắng nóng làm ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.