Khởi đầu với muôn vàn gian nan, thách thức
Krông Nô (Đắk Nông) là điểm đến thuộc tuyến “Trường ca của nước và lửa” trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Thời gian qua, huyện nỗ lực nâng chất các tiêu chí, nâng tầm nông thôn mới là một trong nhiều mục tiêu quan trọng được huyện Krông Nô đặt ra trong kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Là một địa bàn thuần nông của tỉnh Đắk Nông, huyện Krông Nô bước vào vạch xuất phát trên con đường xây dựng nông thôn mới với vô vàn khó khăn, thử thách. Năm 2011 – năm đầu tiên thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, toàn huyện chỉ đạt 7 tiêu chí, trung bình mỗi xã chỉ đạt 0,64 tiêu chí về nông thôn mới.
Không những thế, cả huyện Krông Nô có tới 6/11 xã bước vào xây dựng nông thôn mới "trắng tiêu chí" tức là không đạt bất kỳ một tiêu chí nào. Thời điểm đó, huyện Krông Nô cũng có tỷ lệ hộ nghèo khá cao trên 23,4%, trong khi thu nhập bình quân của người dân thì quá thấp chỉ đạt 18,8 triệu đồng/ người/ năm.
Quyết tâm vượt khó vươn lên. Nhận diện chính xác những thách thức và cơ hội, huyện uỷ Krông Nô đã bắt tay xây dựng kế hoạch cho từng giai đoạn và ban hành nghị quyết số 03-NQ/HU về xây dựng nông thôn mới.
“Krông Nô chung sức xây dựng nông thôn mới”
Ngay khi đi qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh kéo dài, Krông Nô, tiếp tục tăng tốc, thúc đẩy triển khai xây dựng nông thôn mới.
Chỉ riêng 09 tháng đầu năm, huyện và ban chỉ đạo các chương trình MTQG đã ban hành 51 văn bản lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, ban hành Kế hoạch số 75/KH-UBND ngày 02/3/2023 về việc triển khai thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn huyện Krông Nô đồng thời phê duyệt 10 kế hoạch thực hiện chương trình Nông thôn mới năm 2023 của các xã; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn xã Nâm Nung hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022, đến nay UBND tỉnh đã công nhận xã Nâm Nung đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022 tại Quyết định số 1161/QĐ-UBND ngày 11/9/2023; chỉ đạo 02 xã Nâm N’Đir, Nam Xuân dự kiến về đích nông thôn mới năm 2023 tổ chức rà soát đánh giá bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới theo Quyết định số 1037/QĐ-UBND ngày 22/6/2022 của UBND tỉnh, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ 2 xã thực hiện đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Chỉ đạo các xã đạt chuẩn nông thôn mới rà soát đánh giá hiện trạng theo Bộ tiêu chí hiện hành.
Ban chỉ đạo đã tổ chức 04 cuộc họp Ban chỉ đạo để nắm bắt tình hình triển khai chương trình mục tiêu quốc gia, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc có liên quan đến chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong địa bàn huyện.
Công tác tuyên truyền, vận động người dẫn vẫn tiếp tục được duy trì. Đơn cử UBND huyện đã tổ chức mở 2 lớp tập huấn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới dành cho cán bộ, công chức cấp xã, trưởng, phó ban phát triển thôn, buôn, bon với 181 người tham gia; tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp bằng tiền, ngày công, hiện vật triển khai đầu tư xây dựng đường bê tông, các công trình xây dựng cơ sở vật chất văn hóa, trường học; BHXH huyện đã tham mưu chủ động phối hợp với UBND các xã thực hiện 219 cuộc tuyên truyền theo hình thức nhóm nhỏ với 2.207 người được truyền thông trực tiếp; Tổ chức 13 Hội nghị với 445 người tham dự; thực hiện hoạt động truyền thông với nhiều hình thức khác nhau: 216 lượt qua hình thức loa đài, phát thanh huyện; thực hiện truyền thông theo hình thức băng rôn, tờ rơi tờ gấp 1.240 lượt.
Bên cạnh đó, để truyền cảm hứng cho người dân, Krông Nô Để chú trọng đẩy mạnh các phong trào thi đua trên địa bàn huyện, Hội đồng thi đua khen thưởng đã ban hành Hướng dẫn số 06/HD-HĐTĐKT ngày 08/02/2023 hướng dẫn khen thưởng phong trào thi đua “Krông Nô chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021-2025. 09 tháng đầu năm 2023, UBND huyện đã khen thưởng cho 42 tập thể, 80 cá nhân có thành tích trong phòng trào phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn huyện.
Nhờ đó, kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới 9 tháng qua của Krông Nô khá ấn tượng. Theo đó: Tổng số tiêu chí trên địa bàn huyện đạt 172 tiêu chí, bình quân mỗi xã đạt 15,63 tiêu chí/xã, trong đó số tiêu đạt theo kế hoạch năm 2023 là 8/15 tiêu chí đạt 53,3%KH; Số xã đạt chuẩn nông thôn mới: 04 xã (Nam Đà, Đắk Sôr, Đắk Drô, Nâm Nung).
Đánh giá theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao: xã Đắk Sôr đạt 04/19 tiêu chí; xã Nam Đà đạt 11/19 tiêu chí và xã Đắk Drô đạt 06/19 tiêu chí.
Chín tháng đầu năm 2023 Ban chỉ đạo các chương trình MTQG đã phát huy hiệu quả trong công tác chỉ đạo, điều hành theo quy chế đề ra; hệ thống cơ chế, chính sách và văn bản hướng dẫn thực hiện chương trình được Trung ương, các bộ, ngành, UBND tỉnh ban hành cơ bản đầy đủ đảm bảo đồng bộ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng cho địa phương trong quá trình triển khai thực hiện chương trình; những khó khăn vướng mắc thực hiện chương trình từng bước được tháo gỡ; các xã đã bám sát Nghị quyết của Huyện ủy, HĐND huyện và kế hoạch triển khai thực hiện chương trình năm 2023 của UBND huyện, chủ động xây dựng kế hoạch triển khai theo kế hoạch đã phê duyệt; các ban ngành của huyện, xã đã có sự phối hợp triển khai thực hiện; nhận thức của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vị trí, vai trò và tầm quan trọng về xây dựng nông thôn mới ngày càng được nâng lên.
Các xã chủ động hơn trong việc triển khai thực hiện Chương trình, chủ động cân đối bố trí nguồn lực địa phương thực hiện đầu tư xây dựng các dự án, công trình đã được phê duyệt.
Công tác tuyên truyền, vận động tiếp tục được đẩy mạnh nhằm đổi thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân về Chương trình xây dựng nông thôn mới, đồng thời phát huy được nhiều cách làm sáng tạo, huy động được nhiều nguồn lực hơn để đóng góp cho xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, việc tập trung triển khai lập hồ sơ đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đối với các tiêu chí chưa đạt chuẩn; chất lượng giáo dục, y tế và phát triển văn hóa ngày càng được nâng cao; hệ thống chính trị tiếp tục được cũng cố, an ninh trật tự nông thôn luôn được giữ vững; thu nhập và điều kiện sống của người dân từng bước được cải thiện và nâng cao hơn.
Sự quyết tâm cao với cách làm bài bản, bám sát chủ trương, đường lối đã mang lại thành quả. Kết quả này, góp phần làm cho “những con đường đất đỏ lượn vòng trên cao nguyên” lùi dần vào dĩ vãng nhường chỗ cho những cung đường được trải nhựa, bê tông dài tít tắp nối các thôn, buôn bon. Đời sống của người dân ở vùng đất núi lửa Krông No ngày càng lấp lánh các sắc màu của ấm no, văn minh.