Văn phòng UBND TP.HCM vừa có thông báo kết luận của Chủ tịch TP.HCM Phan Văn Mãi về các phương án chỉnh trang khu vực trung tâm TP, trong đó có khu vực công viên bến Bạch Đằng.
Theo đó, Chủ tịch UBND TP giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc phối hợp UBND quận 1 nghiên cứu đề xuất phương án tạo bóng mát vào ban ngày để thuận tiện cho người dân, du khách đến tham quan vui chơi tại tuyến đường đi bộ Nguyễn Huệ và công viên bến Bạch Đằng.
Lãnh đạo TP.HCM giao các đơn vị trên nghiên cứu nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp thiết kế loại hình mái che căng bạt nghệ thuật kết hợp chiếu sáng mỹ thuật vào ban đêm, trình UBND TP trong tháng 6/2023.
Ngoài ra, lãnh đạo TP.HCM cũng giao quận 1 rà soát các vị trí để làm bãi giữ xe và nhà vệ sinh công cộng phục vụ người dân, du khách, bởi nơi đây đang rất thiếu. Các đơn vị liên quan cũng cần nghiên cứu vị trí làm cầu bộ hành bắc qua đường Tôn Đức Thắng, để giảm ùn tắc và an toàn cho người đi bộ từ đường Nguyễn Huệ qua công viên bến Bạch Đằng.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ dài 670m, rộng 64m với kinh phí xây dựng gần 430 tỷ đồng. Công trình được khánh thành năm 2015, mỗi ngày thu hút hàng nghìn người dân, du khách đến vui chơi, giải trí.
Còn công viên bến Bạch Đằng nằm dọc bên đường Tôn Đức Thắng, kéo dài từ cầu Khánh Hội về cầu Ba Son (Thủ Thiêm 2). Phía sau công viên tiếp giáp với sông Sài Gòn, có hướng nhìn sang bờ sông Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Sau khi hoàn thành vào cuối năm 2021, công viên này là điểm tập trung đông người đến vui chơi, nhất là dịp cuối tuần.
Dù vậy, mảng xanh ở hai khu vực này vẫn chưa đủ lớn hoặc chưa thể bố trí ngay để tạo bóng mát chống nắng, che mưa cho du khách.
Không nên lắp mái che ở quảng trường đi bộ rồi chờ cây mọc
Dưới góc độ cá nhân, thạc sĩ Lê Văn Thành, nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM cho rằng, giải pháp lắp mái che nắng mưa cho người đi bộ là rất cần thiết vì TP.HCM nằm trong khu vực nhiệt đới.
Nhiều nước trên thế giới cũng lắp mái che trên vỉa hè. Những mái che được làm rất kiên cố, ổn định lâu dài chiếm khoảng 2/3 vỉa hè tuyến phố. Do đó, giải pháp này cần triển khai hài hòa, đồng bộ với thiết kế kiến trúc của khu vực xung quanh. TP cần khảo sát, rà soát những tuyến phố có nhiều người đi bộ để nhân rộng.
"Nếu TP.HCM làm mái che thì phải làm cho cố định, bền vững, lâu dài và hài hòa với kiến trúc xung quanh. Giải pháp này phải thực sự phục vụ cho người dân, khách bộ hành. Nếu làm che chắn sơ sơ, chờ cây mọc lên rồi tháo dỡ thì không nên làm, rất lãng phí, bức bí , mất mỹ quan đô thị”, ông Thành nói.
Ông Thành cũng nhấn mạnh, giải pháp này chỉ phù hợp khi lắp đặt trên vỉa hè, còn khu vực quảng trường đi bộ Nguyễn Huệ, công viên Bến Bạch Đằng thì không phù hợp.
Nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu văn hóa xã hội - Viện nghiên cứu phát triển TP.HCM phân tích, phố đi bộ Nguyễn Huệ với phần quảng trường rất rộng, là nơi thường xuyên được trưng dụng để tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Nếu che chắn bằng mái che thì không có không gian để biến tấu, lắp đặt phụ kiện phục vụ cho các sự kiện cộng đồng.
Trong khi đó, khu vực công viên bến Bạch Đằng là không gian công cộng để nhiều người đến vui chơi và cần không gian mở. Nếu nắng nóng thì người dân không ra công viên, còn khi trời mát thì việc che chắn của mái che không có tác dụng.
"Theo tôi, quảng trường đi bộ, công viên không nên lắp mái che mà để không gian mở. Người dân và du khách khi đến vui chơi cần sự thông thoáng, tận hưởng không gian tự nhiên hít thở khí trời. Thay vì lắp mái che, thành phố nên chú trọng đến việc tăng mảng xanh cho các khu vực này", ông Lê Văn Thành đề xuất.
Hồi tháng 3/2023, Sở Quy hoạch-Kiến trúc có văn bản báo cáo UBND TP về công tác cải tạo cảnh quan tuyến đường Lê Lợi sau khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) hoàn trả mặt bằng. Trong đó, Sở này đề xuất giải pháp chi 20-30 tỷ đồng để lắp mái che dọc vỉa hè đường Lê Lợi theo hướng từ Nhà hát Thành phố về chợ Bến Thành để tạo bóng mát, chống nắng, che mưa, hình thành không gian đi bộ. Dự kiến, thiết kế mái che với kết cấu khung sắt lợp tôn và đóng trần phía dưới; kích thước mái che vươn ra 4m trên vỉa hè rộng 5,5–6m. Đề xuất này nhanh chóng vấp phải sự phản đối của dư luận. |