Cả nhà ra quyết định “thần tốc”

Vừa nghe tin học sinh Hà Nội nghỉ học tiếp tới hết tháng 2, anh  Bạch Ngọc Anh (khu đô thị Ecopark, Văn Giang, Hưng Yên) đặt gấp vé máy bay khứ hồi vào Đà Nẵng giảm giá 50% còn 1 triệu đồng/người, khách sạn 3 sao khu trung tâm giảm giá 30-35% so với cùng kỳ năm ngoái, cho vợ và hai con đi “chơi vét” từ 23 - 29/2.

“Vợ con tôi đang tung tẩy ăn uống, mua sắm ở Hội An vì rất tin tưởng các biện pháp phòng dịch của địa phương”, anh Ngọc Anh kể.

Anh Nguyễn Anh Tuấn, quản lý nông trại ở Đại Từ - Thái Nguyên, và nhóm bạn nửa buổi sáng đã thống nhất đặt ngay vé máy bay từ Nội Bài đi Quy Nhơn - Bình Định. Giá vé rất rẻ, chỉ 1,1 triệu đồng/người, giờ bay lại đẹp, cộng với giá thuê phòng khách sạn ở Quy Nhơn cũng rất hấp dẫn nên cả nhóm quyết luôn. 

{keywords}
Khách du lịch đang đổ đến Phú Quốc (ảnh Sơn Hà)

Trước đó, gia đình chị Lê Hương Giang (phố Thái Hà - quận Đống Đa, Hà Nội), gồm 6 người vừa đi du lịch Bình Định - Phú Yên 5 ngày về hào hứng kết luận: Chuyến đi “giải cứu” du lịch quá ý nghĩa, vừa rẻ vừa an toàn, ai cũng vui. Công tác phòng chống dịch tại các địa phương khá tốt nên cả nhóm yên tâm tận hưởng môi trường biển trong lành, ăn uống lại rẻ, điểm chụp ảnh vắng vẻ và sạch sẽ.

“Chưa bao giờ đi du lịch lại rẻ và vắng, thích đến như vậy”, đó là nhận xét của chị Bích Hường (Hà Nội), khi chị vừa cùng gia đình 6 người trở về từ Hội An - Đà Nẵng. Đó là nhờ các hãng hàng không, lữ hành đua nhau tung ra các mức giá cực kỳ hấp dẫn.

Tính ra, trung bình giá vé máy bay chỉ trên dưới 1 triệu đồng/người khứ hồi. Vietjet Air giá vé đã thấp, chỉ 69.000 đồng, 99.000 đồng, 199.000 đồng (chưa gồm thuế, phí), tùy chặng và thời điểm, lại được giảm thêm nếu nhập mã khuyến mại hãng cung cấp khi mua vé online. Hơn 30 đường bay nội địa của Vietnam Airlines cũng đồng giá chỉ 199.000 đồng/chiều (đã bao gồm thuế, phí là 589.000 đồng/chiều), mở bán từ 29/2-6/3.

Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, cho biết, cộng đồng doanh nghiệp du lịch trên địa bàn đã và đang áp dụng nhiều chương trình ưu đãi, đặc biệt với nguồn khách gia đình mang theo trẻ em.

“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đặt tiêu chí du lịch an toàn lên trên hết nên phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thực hiện hàng loạt biện pháp bảo vệ sức khỏe cho du khách”, ông Dũng nói.

Tín hiệu hồi phục

Sở VH-TT&DL Quảng Nam ước tính, trong tháng 2/2020, du khách nội địa tới tỉnh sụt giảm hơn 63% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhằm kích cầu du lịch, Sở vừa đề xuất UBND tỉnh miễn vé tham quan phố cổ Hội An, di tích Mỹ Sơn trong hai tháng tới cho du khách lưu trú tại đây. Trên thực tế, khách du lịch đến Quảng Nam cũng bắt đầu tăng trở lại, nhất là tại Hội An, lượng khách đến đây đã tương đương với cùng kỳ năm ngoái.

{keywords}

Tại ĐBSCL, lãnh đạo Sở VH-TT&DL Bạc Liêu nhận định, lượng khách gia đình đang tăng trở lại. Đại diện Sở VH-TT&DL Cần Thơ cũng xác nhận khách du lịch đến đây có dấu hiệu phục hồi dần và Sở đang cùng ngành y tế bảo đảm an toàn cho khách.

Phú Quốc (Kiên Giang) hiện vào thời điểm đẹp nhất trong năm nên khách du lịch cũng đổ đến đây. Đặc biệt, tại khu vực như chợ đêm, nhà hàng hay khách sạn,... đều rất đông khách, không chỉ người nước ngoài mà cả khách nội địa.

Do lượng khách trong nước đi du lịch tăng nên giá vé máy bay, nếu đặt gần ngày đi, đã nhích dần lên. Vì thế, giá tour do các đại lý bán ra có tăng nhẹ. Chẳng hạn, tuyến Phú Yên - Bình Định 4 ngày đã tăng nhẹ 2-3,2 triệu đồng/người. Gói Nha Trang - Đà Lạt 5 ngày tăng lên 2,3-2,5 triệu đồng/người. Riêng nghỉ biển Phú Quốc 3 ngày mức tăng nhiều nhất, nhưng cũng chỉ 2,9-4 triệu/người... Chỉ có gói tour kích cầu đi 4 tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Bình Định, Phú Yên... các hãng lữ hành cam kết bán ra với giá 4,49 triệu đồng/khách cho hành trình 4 ngày 3 đêm hàng không và khách sạn hạng 4 sao.

Tuy nhiên, ngành du lịch nói chung và du lịch ở các tỉnh, thành có lợi thế nhiều nắng và gió (điều kiện để virus Covid-19 khó phát triển) nói riêng vẫn còn khó khăn. 

Để kích cầu du lịch, các doanh nghiệp đang trông chờ Chính phủ có chính sách hỗ trợ cấp bách, thiết thực cho ngành du lịch và hàng không. Một giải pháp khác cần quan tâm thực hiện là tuyên truyền phòng chống dịch.

Ông Phan Thân, Giám đốc Công ty Thương mại - Du lịch Vĩnh Tân (TP.HCM), thừa nhận rất nhiều khách nội địa vẫn còn lo ngại trước nhiều thông tin thất thiệt về dịch. Vì thế, cơ quan quản lý và doanh nghiệp dịch vụ du lịch cần đẩy mạnh truyền thông và thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ an toàn cho du khách và cộng đồng. Cơ sở lưu trú nên để những phòng mà khách vừa trả “nghỉ ngơi” vài ba ngày hẵng đón khách mới.    

Sở Du lịch TP.HCM vừa có kiến nghị Chủ tịch TP đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ các chính sách thuế, tài chính-tín dụng, cơ chế, chính sách cho các DN kinh doanh du lịch.

Về chính sách thuế TP đề nghị giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế, cho phép chậm nộp các loại thuế thu nhập cá nhân; thuế thu nhập DN; thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, lùi thời gian nộp thuế sang quý 3 và quý 4-2020.

Miễn, giảm thuế cho DN lữ hành, kinh doanh nhà hàng, cơ sở du lịch, vận chuyển, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch… Giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động trong lĩnh vực du lịch trên cơ sở đánh giá thiệ hại của dịch bệnh. Đồng thời, miễn, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, 50% thuế thu nhập DN.

Hỗ trợ giảm 50% tiền thuê đất của các cơ sở lưu trú du lịch và loại hình trung tâm hội nghị triển lãm trong hai năm 2020-2021, nhằm hỗ trợ khó khăn cho DN du lịch.

Ngoài ra, xem xét giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội cho người lao động đang làm việc tại các DN du lịch đang gặp khó khăn… Hỗ trợ về chính sách tài chính, tín dụng, hỗ trợ trả nợ và ưu đãi lãi vay ngân hàng;

Xem xét, mở rộng đối tượng miễn thị thực cho các thị trường Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Canada, Áo, Hà Lan…và tiếp tục thực hiện cấp thị thực điện tử, thị thực tại cửa khẩu….nhằm giúp các DN mở rộng thị trường.

Hồ Văn 

 An Hà