- Việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng án tử hình trong một số trường hợp; không giảm án đối với người bị kết án tử hình… sẽ được lấy ý kiến nhân dân từ ngày 15/7.
Tại lễ công bố nghị quyết của UBTVQH và quyết định của Thủ tướng ban hành kế hoạch tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo bộ luật Hình sự (BLHS) sửa đổi chiều nay, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng cho biết sẽ lấy ý kiến nhân dân về toàn bộ dự thảo.
Trong đó, trọng tâm là những vấn đề như trách nhiệm hình sự của pháp nhân và loại tội pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên và các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người chưa thành niên.
Nội dung khác đáng chú ý là việc bỏ hình phạt tử hình ở một số tội; quy định không áp dụng án tử hình trong một số trường hợp; quy định không giảm án đối với người bị kết án tử hình nhưng được ân giảm xuống tù chung thân; chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn...
Dự thảo BLHS sửa đổi được lấy ý kiến thông qua nhiều hình thức như góp ý trực tiếp hoặc bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; góp ý thông qua Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và các hình thức phù hợp khác.
Thời gian lấy ý kiến nhân dân từ ngày 15/7 - 14/9. Sau đó, Bộ Tư pháp trình Thủ tướng báo cáo tổng hợp kết quả trước 23/9.
Tổng hợp nghiêm túc ý kiến nhân dân
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là lần sửa đổi lớn. Mục đích: Phát huy hơn nữa vai trò của BLHS với tư cách là công cụ pháp lý sắc bén, hữu hiệu trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện mới; góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh của đất nước, bảo vệ chế độ, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ và thúc đẩy nền kinh tế thị trường XHCN phát triển đúng hướng…
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc |
Phó Thủ tướng yêu cầu việc lấy ý kiến phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, thu được nhiều ý kiến tốt.
Bên cạnh đó, phải mở rộng phạm vi lấy ý kiến công dân VN trong và ngoài nước, làm sao càng lấy được nhiều ý kiến càng tốt.
Ông cũng đặc biệt lưu ý đến việc lấy ý kiến rộng rãi trong hai cơ quan là VKSND Tối cao và TAND Tối cao, vì đây là hai ngành áp dụng BLHS nhiều nhất.
Bên cạnh đó, ý kiến của các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp như Hội Luật gia, Liên đoàn Luật sư cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hoàn thiện các quy định của BLHS sửa đổi lần này.
Với các cơ quan được giao nhiệm vụ tổng hợp ý kiến nhân dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nghiêm túc trong quá trình lấy, tổng hợp và tiếp thu ý kiến nhân dân một cách đầy đủ, chính xác, khoa học.
Dự thảo BLHS sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp cuối năm nay.
Hồng Nhì