Vẻ quyến rũ của Cannes và đảo quốc Monaco cùng sánh duyên trên màn ảnh của “Grace xứ Monaco”, bộ phim vừa mở màn cho LHP Cannes lần thứ 67 vào tối 14/5. 

Nhưng trong khi các fan chào đón Nicole Kidman và nhiều ngôi sao khác trên thảm đỏ, thì các nhà phê bình chẳng thấy mối duyên trên diễn ra trong mơ.

12 ngày hội rực rỡ đến rối mắt của Cannes chào đón hàng loạt ngôi sao trên thảm đỏ, từ Chương Tử Di của Trung Quốc đến Audrey Tautou của Pháp. Riêng cô đào người Úc Nicole Kidman, người xuất hiện trên thảm đỏ với bộ váy màu xanh đậm đính cườm nơi vạt áo, cho biết cô rất thích lễ hội phong cách Pháp vì vẻ đa dạng trong nghệ thuật và bầu không khí Địa Trung Hải.

{keywords}

Nicole Kidman tại buổi ra mắt bộ phim khai mạc cho LHP Cannes 2014.

Phủ bóng cãi vã

“Tôi đã có thời gian đóng phim tuyệt vời nhất, sống trên bãi biển Riviera của Pháp và quay phim ở Monaco”, Kidman nói với các nhà báo sau khi ký tặng người hâm mộ đứng chờ từ hôm qua để có cơ hội được thấy ngôi sao yêu thích của họ.

18 bộ phim trải rộng từ xứ Mauritania ở châu Phi cho đến Nhật Bản cùng dự tranh giải Cành cọ vàng, giải thưởng cao nhất liên hoan, được trao vào ngày 24/5 cùng với nhiều giải thưởng khác. Những bộ phim ra mắt tại liên hoan này được cho là dự báo xu hướng về phong cách làm phim lẫn các ngôi sao quyền lực, mà “Grace xứ Monaco” cũng không ngoại lệ.

Trong phim, Kidman vào vai nữ diễn viên Hollywood Grace Kelly, người đã cưới ông hoàng Rainier III và trở thành Công nương của Công quốc Monaco. Phim do đạo diễn người Pháp Olivier Dahan thực hiện. Năm 2007 ông từng làm “La Vie en Rose”, bộ phim thành công về nữ ca sĩ huyền thoại Edith Piaf.

{keywords}

Chương Tử Di xuất hiện trong buổi khai mạc liên hoan.

Sự quan tâm gần đây của báo chí dành cho bộ phim thường bị phủ bóng bởi tranh cãi giữa Dahan và nhà sản xuất Harvey Weinstein, người giữ quyền phát hành bộ phim tại Mỹ, về bản cắt cuối cùng mà luật của Pháp cho phép nó thuộc về đạo diễn. Nhưng tại Cannes, đạo diễn Dahan đã lên tiếng thông báo: “Không còn bất kỳ tranh cãi nào, tất cả đã được giải quyết và tôi rất hài lòng với tình hình hiện nay”.

Tuy nhiên, các nhà phê bình lại chỉ trích kịch liệt bộ phim. “Bộ phim từng gây chú ý vì những tranh cãi giữa đạo diễn và Harvey Weinstein, nhưng một lần nữa chúng tôi muốn thử thêm “tay kéo Harvey” vì thật khó hình dung ông làm thế nào biên tập lại được một bộ phim mà khó có đối thủ dở hơn nó”, trang blog Indywire viết sau buổi công chiếu báo chí.

Không phải phim tiểu sử

Báo Abendzeitung của Đức nhận xét: “Đây là phim tiểu sử khá tầm thường”. Bộ phim hầu hết quay ở Monaco trước khi gia đình hoàng gia lục đục với Dahan và sau đó lên án nó. Trong phim, Kidman diễn vai một công nương thất vọng vì thấy phim không phù hợp với cư dân của vương quốc nhỏ bé và vai trò giới hạn của cô khi làm vợ của một quốc vương. Cô lái chiếc Porsche với tốc độ chóng mặt trên những con đường dốc và uốn lượn của Monaco để trút sự thất vọng của mình. Cô rõ ràng chán nản những bữa tiệc linh đình mà người bạn của chồng là Aristotle Onassis (Robert Lindsay đóng) và vợ tổ chức trên du thuyền của ông.

Thực tế, Kelly đã qua đời trong một tai nạn xe hơi vào năm 1982.

{keywords}

Cảnh trong phim “Grace xứ Monaco”.

Tại cuộc họp báo, cả Dahan và Kidman đều thừa nhận rằng một số chi tiết nổi bật như chuyến viếng thăm của tổng thống Pháp Charles de Gaulle sau cuộc khủng hoảng chính trị giữa Pháp và Monaco, đạo diễn Alfred Hitchcock tìm cách lôi kéo Kelly trở lại Hollywood… là hư cấu. Nhiều thành viên trong gia đình hoàng gia đã lên tiếng gọi phim là một “trò hề” vì không có cơ sở thực tế nào cả. Những lời chỉ trích khiến Nicole cho biết cô cảm thấy “buồn”.

“Bộ phim không hề có ác ý với gia đình, cũng như với Grace và Rainier. Nó là hư cấu, không phải phim tiểu sử… Bạn được phép thêm chút kịch tính vào đúng lúc. Việc diễn xuất được làm với tình yêu”, Kidman cho biết. Cô cảm thấy tiếc khi gia đình hoàng gia đã không có mặt trong buổi ra mắt.

Giải thích cho hai chi tiết hư cấu về chuyến thăm của Hitchcock và de Gaulle, đạo diễn Dahan nói hình ảnh của họ rất cần thiết cho bộ phim. “Chính trị không phải là điều tối quan trọng trong phim, họ xuất hiện trên nền làm nâng cao bức chân dung của các nhân vật và của chính Grace”, ông nói.

LHP Cannes năm nay dự kiến thu hút khoảng 127.000 khách viếng thăm, 30.000 người trong nghề và 4.000 nhà báo. Giữ chức chủ tịch của một hội đồng giám khảo gồm 9 người là nữ đạo diễn người New Zealand Jane Campion, người phụ nữ duy nhất cho đến nay thắng giải này vào năm 1993 với phim “Dương cầm”. Bà cũng vừa lên tiếng phản đối những gì bà gọi là phân biệt giới tính trong ngành phim ảnh. Được biết, nữ giới chiếm đa số trong hội đồng giám khảo năm nay và có 2/18 phim tranh giải là của đạo diễn nữ.

Khải Trí (theo Reuters)