Rủi ro người di dân và tị nạn tử vong do chìm tàu ở biển Địa Trung Hải đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, vì sự thiếu hụt của các tàu cứu hộ phi chính phủ, trong khi xung đột đang tiếp diễn ở Libya khiến số lượng tàu khởi hành tăng cao đáng báo động – Liên Hợp Quốc vừa đưa ra cảnh báo.

“Nếu chúng ta không sớm can thiệp, sẽ có một biển máu”, Carlotta Sami, phát ngôn viên của Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết tại Italia.

{keywords}
Chỉ còn một tàu cứu hộ phi chính phủ duy nhất còn hoạt động trên Địa Trung Hải.

Với điều kiện thời tiết biển thuận lợi, hàng ngàn người đang chuẩn bị rời khỏi Libya khi nước này đang bị chiến tranh tàn phá, cộng với lũ lụt do mưa lớn kéo dài. Tuy nhiên, nếu không có tàu cứu hộ, số lượng các vụ đắm tàu sẽ tăng cao đột biến.

Theo các nhóm cứu trợ, khoảng 700 người đã khởi hành từ bờ biển Libya trong những ngày gần đây, và chỉ có 5% trong số đó bị ngăn chặn bởi lực lượng bảo vệ biển Libya và đưa trở về các trại tị nạn. 40% đến được Malta và 11% cập bến Italia. Không rõ chuyện gì đã xảy ra với số người còn lại.

Mặc dù tổng số người tử vong đã giảm trong năm vừa qua, số người chết đuối so với tỉ lệ những người đến được châu Âu từ Libya đã tăng vọt trong năm nay. Theo dữ liệu từ UNHCR và Tổ chức Di cư Quốc tế, khoảng 1.940 người đã cập bến Italia từ Bắc Phi kể từ đầu 2019, và gần 350 người đã chết trên đường đi. Theo đó, tỉ lệ tử vong trong những người vượt biển vào khoảng 15%.

Cô Sami cho biết: “Chúng ta đang chứng kiến một sự tăng vọt trong lượng tàu vượt biển. Hiển nhiên là, những người di cư không có tiếng nói gì trong việc rời đi khi nào và như thế nào. Những trùm buôn người đưa ra quyết định đó thay họ. Những người đó thì chẳng hề mảy may đến chuyện mọi người đến nơi còn sống hay đã chết. Trong những ngày gần đây, càng ngày càng có nhiều thêm những con tàu chở đầy ứ người. Ai sẽ cứu họ nếu tàu bị đắm?”

{keywords}
Những con tàu chở quá tải người từ Libya vượt Địa Trung Hải đến châu Âu.

Các chính sách chống nhập cư được Malta và Italia ban hành đã dẫn đến số lượng các chiến dịch cứu hộ tụt giảm đột biến. Đảng cầm quyền Italia đã gọi các tàu cứu hộ phi chính phủ là “taxi biển” và cáo buộc họ câu kết làm ăn với các trùm buôn người. Bộ trưởng Nội vụ Matteo Salvini, người trước đó hứa sẽ có các chính sách cứng rắn với nhập cư, đã cấm tàu của các nhóm cứu hộ sử dụng các bến cảng của Italia ngay sau khi lên nhậm chức.

Bị buộc tội bởi chính quyền, tịch thu tàu và điều tra tư pháp, các tổ chức phi chính phủ đang dần buộc phải bỏ rơi vùng trung tâm Địa Trung Hải.

Trong 10 tàu cứu hộ phi chính phủ trước đó hoạt động trên Địa Trung Hải, giờ đây chỉ còn lại 1 tàu duy nhất thuộc tổ chức SeaWatch đến từ Đức. Ba tuần trước, tàu SeaWatch 3 bị cơ quan chức năng bắt giữ vì chở 47 người.

Bà Giorgia Linardi, phát ngôn viên của SeaWatch ở Italia, cho biết: “Các máy bay của chúng tôi đã xác định được 20 thuyền buồm nhỏ chở những người di cư đang ở trong tình trạng túng quẫn, kể từ ngày 10/5. Tình trạng này rất đáng báo động. Chúng tôi quan sát thấy nhiều thuyền phải đợi nhiều giờ, thậm chí nhiều đêm, trước khi được giải cứu. Đó là những điều kiện không thể chấp nhận được. Thật nực cười là khu vực hàng hải đông đúc và có nhiều quân đội nhất thế giới mà lại không có cứu hộ”.

{keywords}
Hình ảnh một con tàu tị nạn của người Libya bị lật nghiêng trên biển Địa Trung Hải.

Trong nhiều năm, các tàu cứu hộ phi chính phủ bị cáo buộc là một “nhân tố thúc đẩy” khiến người di cư và tị nạn thực hiện nỗ lực vượt biển, nhưng số liệu không ủng hộ giả thuyết này. Trong năm nay, với việc không có tổ chức phi chính phủ hoạt động trên biển, có khoảng 85 người đã cố gắng vượt Địa Trung Hải để tới châu Âu mỗi ngày. Khi có sự có mặt của các tàu phi chính phủ, con số này là khoảng 76.

Theo UNHCR, có khoảng 60.000 người tị nạn tại Libya. Trong hơn 2 tháng qua, 90.500 người dân Libya đã bị buộc phải di chuyển chỗ ở, do xung đột xảy ra trong và xung quanh thủ đô Tripoli. Các nhóm cứu trợ cho biết có hàng ngàn người tị nạn đang bị nhốt lại trong các trại tạm giam, nơi họ bị ngược đãi và tra tấn.

Anh Thư