Chủ trì Tọa đàm có đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình; đồng chí Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo.
Tham dự Tọa đàm có các đồng chí đại diện lãnh đạo các tỉnh vùng Bắc Trung bộ; đại diện một số ban, bộ, ngành Trung ương, thành viên Ban Chỉ đạo, Tổ Biên tập Đề án; một số viện, trường, chuyên gia, nhà khoa học.
Tọa đàm đã đánh giá kết quả liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ và phân tích những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nhằm thúc đẩy phát triển liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Ngày 16/8/2004, Bộ Chính trị khóa IX đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 (Nghị quyết 39-NQ/TW).
Tiếp đó, ngày 2/8/2012, Bộ Chính trị tiếp tục ban hành Kết luận số 25-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Nghị quyết 39-NQ/TW và quy hoạch của Chính phủ chia vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ thành 3 tiểu vùng, gồm tiểu vùng Bắc Trung Bộ, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và tiểu vùng Nam Trung Bộ.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Ban Kinh tế Trung ương, cho biết tiểu vùng Bắc Trung Bộ vẫn là tiểu vùng kém phát triển trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ. Các hoạt động liên kết vùng vẫn chưa hiệu quả và chưa được như mong muốn.
Theo ông Nguyễn Hồng Sơn, Nghị quyết mới về các vùng là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để các bộ, ngành ban hành các cơ chế, chính sách mới và bổ sung nguồn lực nhằm phát triển nhanh và bền vững vùng và các địa phương trong vùng thời gian tới.
Phó Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra 5 mục tiêu đối với phát triển vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ gồm phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền biển đảo; sớm tiến kịp các vùng khác trong nước.
Đồng thời, đây là đầu cầu quan trọng trong giao lưu hợp tác quốc tế; hạn chế tối đa ảnh hưởng của thiên tai, lũ bão, hạn hán; ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, bảo vệ môi trường sinh thái; cải thiện căn bản đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Vùng Bắc Trung Bộ gồm năm tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị, là khu vực kết nối giữa các vùng kinh tế phía Bắc và các vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quy mô nền kinh tế không ngừng tăng lên theo hướng năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, các tỉnh Bắc Trung Bộ có 5 khu kinh tế ven biển trong tổng số 18 khu kinh tế của cả nước.
Các địa phương trong tiểu vùng Bắc Trung Bộ đều có thế mạnh về phát triển kinh tế biển.
Nghị quyết số 36-NQ/TW hội nghị lần thứ tám ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên: du lịch và dịch vụ biển; kinh tế hàng hải; khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã tập trung thảo luận về khó khăn, rào cản trong liên kết phát triển tiểu vùng Bắc Trung Bộ; việc thúc đẩy liên kết phát triển tiểu vùng nói riêng và toàn vùng nói chung; thể chế liên kết tiểu vùng, vùng, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và các quy định; những ngành, lĩnh vực cần tập trung liên kết trong tiểu vùng để có thể phát huy được ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế của từng tiểu vùng.
Tuy nhiên, việc liên kết vùng và kinh tế vùng Bắc Trung Bộ chưa có cơ chế phối hợp hiệu quả, chưa có một cơ chế xây dựng đồng thuận và thế hiện được lợi ích của các địa phương tham gia liên kết.
Cùng đó, vẫn tồn tại dư duy “nhiệm kỳ” và “lợi ích cục bộ giữa các địa phương.” Một số chính sách trong phát triển kinh tế xã hội của các địa phương trong vùng còn dàn trải trong phân bổ nguồn lực, phân tán nguồn vốn ngân sách.
Việc xây dựng quy hoạch tỉnh và quy hoạch tổng thể không gian biển của địa phương là hết sức quan trọng để đóng vai trò điều phối phân bố không gian phát triển hợp lý, hỗ trợ lẫn nhau phân bổ nguồn lực phù hợp.
Do đó, cần lựa chọn những lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn để phát triển trước; đa dạng các hình thức huy động nguồn lực cho các lĩnh vực kinh tế biển mũi nhọn và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ kết nối với hệ thống hạ tầng toàn vùng; hình thành cơ chế liên kết giữa các linh vực kinh tế biển của địa phương, gia tăng giá trị cho các sản phẩm.
Thúy Hồng, Mai Hương, Huy Linh