Sau những tuần học đầu tiên, học sinh tại nhiều địa phương đã dần quen với hình thức học trực tuyến dù đôi khi còn gặp trục trặc về kết nối hay thiếu trang thiết bị. Bên cạnh những môn học quen thuộc như Toán, Văn, tiếng Anh…, thì Âm nhạc, Thể dục cũng được tổ chức dạy trực tuyến một cách linh hoạt.

Thầy Văn Đình Tiến - Giáo viên dạy Thể dục tại Trường Thực hành Sư phạm (ĐH Vinh, Nghệ An) cho biết năm nay được phân công dạy chương trình Thể dục mới cho khối 6. Để hỗ trợ học sinh tập luyện đúng phương pháp, thầy Tiến cũng như một số giáo viên khác đã quay lại video hướng dẫn các em.

“Lần đầu tự quay video tôi phải làm đi làm lại, loay hoay tìm chỗ đặt máy để quay. Các bài tập được xây dựng theo chương trình sách mới, kết hợp nhiều động tác như vận động nhảy dây, gập bụng,... Một số môn cần nhiều không gian vận động sẽ được dạy bù khi các em trở lại trường”, thầy Tiến nói.

Mỗi tiết học Thể dục kéo dài khoảng 45 phút, giáo viên sẽ điểm danh, giúp học sinh điều chỉnh camera quay được toàn cảnh. Sau đó đưa ra nhiệm vụ cho các em thực hiện, kết thúc tiết học giáo viên gửi lại video hướng dẫn và bài tập về nhà.

“Đối với môn m nhạc, học sinh được dạy về lịch sử Âm nhạc, tìm hiểu tác giả, tác phẩm chia mấy đoạn, có nhịp gì, nốt gì rồi mới tập hát. Để hiệu quả hơn tôi chia các em thực hành theo nhóm 2-4 em. Toàn bộ bài hát cũng được cô quay lại gửi cho các em tự luyện thêm”, cô Lưu Thị Thắm, giáo viên âm nhạc tại Hà Nội kể.

Anh Hoàng Đình Thạch - phụ huynh có con học lớp 3 ở Nghệ An bất ngờ: “Tôi chưa từng nghĩ trường sẽ dạy môn Thể dục online cho các cháu học tiểu học. Nhưng thấy con vui vẻ, hào hứng tập theo hướng dẫn của thầy tôi thấy khá hiệu quả. Việc sắp xếp xen kẽ tiết thể dục giữa các môn khác giúp con có thời gian vận động, nghỉ ngơi thay vì nhìn quá nhiều vào màn hình”.

{keywords}
 

Tuy nhiên, cũng xuất hiện không ít tình huống bi hài xảy ra khi học trực tuyến với môn Thể dục và Âm nhạc. Nhiều phụ huynh cho hay, do ở nhà chung cư nên khi con thực hiện các hoạt động mạnh như chạy, nhảy dây,… tạo ra tiếng động ảnh hưởng tới tầng dưới.

Có con học lớp 6, chị Nguyễn Thuỳ Trang (sống tại chung cư Trung Đô, Nghệ An) cho biết: “Vừa về đến nhà tôi đã nhận thông báo của ban quản lý về việc hàng xóm phản ánh gia đình mình gây tiếng ồn, mất trật tự. Hỏi ra mới biết con tập thể dục để quay video thực hành gửi cho thầy. Tôi chỉ biết khuyên con tập nhẹ nhàng hơn và phản hồi lại với giáo viên để đổi động tác khác”.

Chị Trang còn kiến nghị giáo viên điều chỉnh cường độ vận động cho các con cho phù hợp. Hôm đầu, con chị Trang đã thực hiện chống đẩy liên tục hơn 30 cái nên than vãn đau mỏi.

Cô Phan Hồng Nhung, một giáo viên dạy Âm nhạc ở Nghệ An thì cho hay, tình trạng mất kết nối đôi khi vẫn xảy ra khiến cô và trò “tụt hứng”.

“Bộ môn Âm nhạc lớp 6, các em được học hát kết hợp phối khí của bài hát. Giáo viên đã trình chiếu bài giảng có kèm âm thanh để các em bắt nhịp hát theo. Nhưng lúc kết nối mạng không ổn định, tiếng nhạc chạy trước lời khiến các em không hát kịp. Học sinh thưa cô nháo nhào, khiến cho buổi học trở nên lộn xộn hơn”, cô Nhung kể.

Cô Nhung cũng chia sẻ thêm, một số học sinh rụt rè không thực hiện quay lại bài hát nên nhiều lần phải phiền tới nhiều phụ huynh thuyết phục con. Chính vì vậy, để tạo không khí sôi động cho học sinh cô Nhung dự kiến sẽ chọn giai điệu gần gũi, vui tươi hơn.

Ngọc Linh

5 kinh nghiệm dạy online của thầy giáo trường chuyên

5 kinh nghiệm dạy online của thầy giáo trường chuyên

"Giao bài tập vừa phải, hợp lí, có biện pháp để kiểm soát bài tập về nhà của các em" là một trong những kinh nghiệm để dạy học online hiệu quả mà thầy giáo Nguyễn Tăng Vũ chia sẻ.