Nhiều fan vẫn đang đặt câu hỏi tại sao KT Rolster không thi đấu Ván 5 trận Chung kết Rift Rivals 2018/LCK-LPL-LMS vào cuối tuần trước.

KT đã toàn thắng cả bốn trận đấu tại Rift Rivals nhưng vẫn phải ngồi ngoài nhìn Afreeca đại bại trước RNG và tiêu tan luôn hy vọng nâng cúp

Ngày 08/7/2018, tại Sân vận động Thể thao Đại Liên, Trung Quốc, KT đã đem về lợi thế dẫn trước cho khu vực LCK Hàn Quốc khi đánh bại Invictus Gaming một cách rất thuyết phục ở ván đấu mở màn. Nhưng với việc cả SK Telecom T1 lẫn Kingzone DragonX lần lượt thất bại khiến cho trận đấu phải định đoạt kết quả sau năm ván đấu.

Tuy nhiên, khá khó hiểu khi KT, đội tuyển đã giữ vững thành tích bất bại tại Rift Rivals lại không xuất hiện ở ván đấu quyết định với Royal Never Give Up – thay vào đó là Afreeca Freecs để rồi LCK ngậm ngùi nhìn LPL Trung Quốc lên ngôi vô địch năm thứ hai liên tiếp.

Theo Inven Global thông tin, một người trong đoàn LCK đã lý giải tại sao Afreeca chứ không phải KT là đội tuyển lên sàn đấu ở ván đấu quan trọng nhất giải đấu. Người này cho biết, các HLV của bốn đội tuyển đại diện cho LCK đều đã chấp thuận “đội tuyển trình diễn tốt nhất tại trận Chung kết sẽ chơi Ván 5” – Afreeca và KT là hai cái tên hội tụ đủ điều kiện này khi đều đem về chiến thắng cho LCK trước LPL.

AFs được cho là thích hợp hơn KT trong màn quyết đấu với LPL - nhưng kết quả lại không như mong đợi

Sau một cuộc họp ngắn, các HLV LCK đều đã đi đến thống nhất chọn Afreeca. Họ cho rằng, Afreeca có cách chơi “áp đặt thế trận kiểu Hàn Quốc” nhỉnh hơn so với ba đội tuyển còn lại – và không ai thích hợp hơn trong lần quyết đấu với LPL.

Nhưng rồi kết quả ai cũng đã rõ, RNG đã áp đảo hoàn toàn Afreeca và nâng cao chiếc cúp vô địch Rift Rivals ngay trên sân nhà – qua đó khẳng định LPL là khu vực LMHT mạnh nhất thế giới vào thời điểm hiện tại.

Hiện cả Afreeca lẫn KT đều chưa đưa ra bình luận. Nhưng nhiều khả năng chúng ta sẽ không bao giờ được biết sự thật đằng sau câu chuyện này bởi nó là những quyết định mang tính nội bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới danh dự của cả một nền eSports.

None (Theo Inven Global)