MoMo và Payoo cùng chia nhau hai vị trí số 1 trên thị trường ví điện tử tại Việt Nam xét theo từng tiêu chí khác nhau. Đây cũng là hai doanh nghiệp được biết đến sớm nhất trên thị trường ví.
Các phương thức thanh toán bằng ví tại một cửa hàng. Ảnh: Hải Đăng |
Ông Nghiêm Thanh Sơn - Vụ phó Vụ Thanh toán Ngân hàng nhà nước (NHNN) và Phó Trưởng ban chỉ đạo Fintech NHNN Việt Nam - vừa chia sẻ số liệu quý 2 của NHNN thống kê 5 doanh nghiệp kinh doanh ví điện tử hàng đầu tại Việt Nam.
Theo đó, MoMo (Công ty CP dịch vụ Di động trực tuyến) dẫn đầu thị trường khi xét về tổng số lượng giao dịch. Còn Payoo (Công ty CP dịch vụ trực tuyến Cộng Đồng Việt) nắm ngôi Quán quân khi xét về tổng giá trị giao dịch trên thị trường.
Kết quả này phản ánh chính xác thị trường ví Việt Nam. MoMo là ví điện tử dành cho người dùng cuối. Người dùng cài đặt MoMo trên smartphone của họ và thanh toán tại các điểm chấp nhận, do đó phát sinh rất nhiều giao dịch. Là ví điện tử có mặt rất sớm tại Việt Nam, chịu khó phát triển thị trường, xây dựng mạng lưới, kêu gọi đầu tư, kết quả số 1 về số lượng giao dịch xứng đáng với những gì MoMo đã làm.
MoMo đã xuất hiện ở nhiều hàng quán từ bình dân đến chuỗi nhượng quyền, từ thanh toán vé máy bay, vé xem phim đến nhiều dịch vụ khác.
Trong khi đó, một công ty khởi nghiệp khác ít biết đến hơn nhưng bền bỉ không kém MoMo là Payoo cũng đạt được thành quả tương tự. Payoo dẫn đầu thị trường về tổng giá trị giao dịch. Ngay từ ban đầu, Payoo xác định là một nền tảng kết nối để liên thông các đơn vị khác nhau, do đó khá dễ hiểu khi tổng giá trị giao dịch của Payoo lớn hơn MoMo.
Payoo có công khi làm nhẹ gánh việc đóng tiền điện, tiền nước, Internet, trả góp,... tại Việt Nam. Payoo chính là nền tảng trung gian kết nối giữa công ty điện lực, bên cấp nước, công ty viễn thông, công ty tài chính... để khách hàng có thể ra các siêu thị bán hàng công nghệ và cửa hàng tiện ích để đóng những khoản tiền cơ bản hàng tháng nói trên thay vì phải đi đóng tiền ở từng nơi khác nhau.
MoMo xuất hiện nhiều tại các cửa hàng, trên smartphone người dùng, trong khi Payoo được biết nhiều hơn tại các cửa hàng tiện lợi. Ảnh: Hải Đăng |
Trong top 5 các ví điện tử số 1 tại Việt Nam quý 2/2019, MoMo và Payoo cũng thay nhau chiếm… vị trí thứ hai. Xét về tổng khối lượng giao dịch, MoMo dẫn đầu, kế đến là Payoo. Ngược lại, Payoo có giá trị giao dịch số 1 thì số 2 thuộc về MoMo. Có thể hiểu rằng hai ví này đang cùng nhau chiếm ngôi vị cao nhất thị trường ví Việt Nam xét về tổng thể.
Trong top 5, SenPay (Công ty TNHH Ví FPT) và AirPay (Công ty CP phát triển Thể Thao Điện Tử Việt Nam) đều xuất hiện ở cả hai bảng, tức có tổng lượng giao dịch và giá trị giao dịch cao. SenPay đang là phương thức thanh toán trên Sen Đỏ, trong khi AirPay được dùng trên Shopee. Hai trang thương mại điện tử vừa nói cùng giữ hai vị trí cao nhất về lượng truy cập tại Việt Nam trong quý 2/2019 (số liệu của iPrice).
Trong khi đó, Moca (Công ty CP dịch vụ và công nghệ MOCA) và ZaloPay (Công ty CP Zion) chỉ xuất hiện một lần trong top 5. Moca đứng thứ 4 về tổng lượng giao dịch, ZaloPay đứng thứ 5 về tổng giá trị giao dịch.
Cả 5 ví dẫn đầu chiếm đến 94% tổng thị trường. Tuy nhiên, số liệu của NHNN không chỉ rõ thị phần của từng ví.