Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024, dự kiến tổ chức ngày 28/3 tới, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (mã KBC) cho hay sẽ trình cổ đông hủy phương án chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ 20% đã được thông qua ngày 23/6/2023.

KBC giải thích, do phải thu xếp nguồn lực tài chính cho các dự án mới nên KBC chưa triển khai được kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền trong năm 2023. 

Với hơn 760 triệu cổ phiếu KBC đang lưu hành, doanh nghiệp của ông Đặng Thành Tâm khất với cổ đông số tiền lên đến hơn 1.500 tỷ đồng.

Đồng thời, KBC cũng trình cổ đông hủy phương án mua lại 100 triệu cổ phiếu được thông qua ngày 28/12/2022. 

Theo KBC, hiện nhiều dự án của công ty cần tăng tốc đầu tư trở lại nên muốn trình cổ đông thông qua việc hủy kế hoạch mua lại cổ phiếu như trên.

Nếu tính theo mức giá cổ phiếu KBC trong phiên ngày 19/3 là 32.400 đồng/cp, "ông trùm" bất động sản công nghiệp có thể để ra khoảng 3.200 tỷ đồng để lo cho các dự án sắp tới. 

Theo đó, KBC đang nỗ lực thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để tiếp tục được phê duyệt mới các dự án tại Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hậu Giang, Cần Thơ, Vũng Tàu,... với tổng diện tích dự kiến khoảng 3.500 ha đất khu công nghiệp và 650 ha đất khu đô thị. 

KBC đang tạo lập quỹ đất mới, đủ để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư trong giai đoạn tới.

Một trong những điểm nghẽn chủ chốt về pháp lý, tại các dự án trọng điểm của KBC như Khu đô thị Phúc Ninh và Khu đô thị Tràng Cát, là tính tiền sử dụng đất.

Công ty Chứng khoán VDSC đánh giá, Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 (quy mô 687 ha, TP. Hải Phòng) có thể sẵn sàng kinh doanh từ quý IV/2024. Dự án này đã được UBND TP. Hải Phòng phê duyệt quy hoạch 1/2.000.

Khu công nghiệp Tràng Duệ 3 được kỳ vọng sẽ nhận quyết định trong thời gian ngắn tới.

Trên cơ sở đó, KBC đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay ở mức 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế ở mức 4.000 tỷ đồng, lần lượt tăng 59,4% và 80,3% so với mức thực hiện năm 2023.

Tin doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán còn một số sự kiện quan trọng khác của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn.

* VGR: Sau khi ĐHĐCĐ thường niên 2024 khép lại, CTCP Cảng Xanh Vip chốt sẽ chia cổ tức năm 2023 bằng tiền với tỷ lệ 70%, cao hơn con số 40% trình bày trong tài liệu họp được công bố hồi tháng 2.

* SAF: CTCP Lương thực Thực phẩm Safoco vừa nhận được đơn xin thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT và từ nhiệm Thành viên HĐQT của ông Nguyễn Quang Hiển. Một thành viên HĐQT khác là ông Nguyễn Tri Nghĩa cũng có đơn xin từ nhiệm vị trí này. 

* VHC: CTCP Vĩnh Hoàn vừa công bố kết quả kinh doanh tháng 2/2024 với tổng doanh thu đạt 801 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước.

* SZC: CTCP Sonadezi Châu Đức vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, với chỉ tiêu doanh thu hơn 881 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 228 tỷ đồng, lần lượt tăng 5% và 4% so với năm 2023.

* CEO: CTCP Tập đoàn C.E.O công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, dự kiến tổ chức ngày 5/4. CEO đặt mục tiêu kinh doanh 2024 với tổng doanh thu hợp nhất 2.100 tỷ đồng và lãi sau thuế 150 tỷ đồng, lần lượt tăng 46% và 24% so với năm 2023. Công ty dự kiến trả cổ tức 2024 với tỷ lệ 5-10%.

* DBD: Kwe Beteiligungen AG, quỹ ngoại đến từ Thụy Sỹ, đã mua 222.000 cổ phiếu của CTCP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định trong ngày 15/3, với mục đích gia tăng tỷ lệ sở hữu từ 6,99% lên 7,29%.

* FTS: Nhóm cổ đông của bà Nguyễn Thị Minh bao gồm bà Minh cùng 2 con gái Nguyễn Thị Thái Anh, Nguyễn Thị Thúy và con dâu Ngô Thị Thanh Nga đã bán tổng cộng hơn 2,9 triệu cổ phiếu của CTCP Chứng khoán FPT trong các ngày 13/3 và 15/3, thu về hơn 186 tỷ đồng giảm tỷ lệ sở hữu của nhóm từ 8% xuống còn 7,4%.

* NED: Ông Trần Văn Huyên - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Phát triển Điện Tây Bắc - vừa đăng ký mua gần 7,3 triệu cổ phiếu NED trong giai đoạn từ 20/3-18/4 nhằm tăng tỷ lệ sở hữu từ 6% lên 24%. 

* GEG: Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Công ty cổ phần Điện Gia Lai, doanh thu thuần hợp nhất 2023 tăng nhẹ 3%, đạt 2.163 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 195 tỷ đồng, giảm 52% so với cùng kỳ nhưng vượt 8% kế hoạch năm 2023.

VN-Index

Kết phiên giao dịch ngày 19/3, VN-Index giảm 1,1 điểm (-0,09%) xuống 1.242,46 điểm, HNX-Index giảm 0,51 điểm (-0,22%) xuống 236,16 điểm, UpCOM-Index tăng 0,28 điểm (+0,31%), lên 90,6 điểm.

Theo Công ty Chứng khoán SHS, xét dưới góc nhìn ngắn hạn, thị trường đang trong giai đoạn biến động rung lắc bất thường, nhưng lực cầu đang khá tốt và có thể giúp VN-Index hướng đến hình thành nền tích lũy trước ngưỡng cản mạnh 1.300 điểm.

Trong trường hợp tích cực, VN-Index nếu sớm lấy lại mốc 1.250 điểm thì khả năng tiếp tục tích lũy trước ngưỡng cản 1.300 là có thể xảy ra. Tuy nhiên, nếu không sớm lấy lại ngưỡng 1.250 trong các phiên tới thì khả năng đảo chiều bước vào giai đoạn điều chỉnh ngắn hạn và vận động trong kênh 1.150-1.250 điểm là kịch bản dễ thấy.

Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, thị trường có thể sẽ còn giằng co quanh đường trung bình 20 phiên của chỉ số VN-Index với thanh khoản giảm. Đồng thời, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nên có thể sẽ còn biến động hẹp và dòng tiền phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.

Quan sát độ rộng thị trường, Yuanta Việt Nam nhận thấy các nhà đầu tư vẫn đang tỏ ra thận trọng sau phiên giảm mạnh, điều này phản ánh tâm lý người mua vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn.