Ngày 6/1, chính quyền Tổng thống Joe Biden bổ sung hai công ty Trung Quốc Tencent và CATL vào danh sách “các công ty quân sự Trung Quốc”. Đây là những doanh nghiệp mà Washington tin rằng làm việc trực tiếp hoặc gián tiếp với quân đội Trung Quốc.  

Tencent là công ty sở hữu siêu ứng dụng WeChat và mảng kinh doanh video game lớn nhất thế giới tính theo doanh thu, còn CATL là nhà cung ứng pin xe điện lớn cho Tesla cũng như các nhà sản xuất xe hơi lớn như Stellantis, Volkswagen.

tencent bloomberg.jpg
Tencent là công ty giá trị nhất Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Tencent gọi quyết định của chính phủ Mỹ “rõ ràng là một sai lầm” do họ “không phải là nhà cung ứng hay công ty quân sự”. Trong thông báo ngày 7/1, Tencent cho biết danh sách đen này không ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình song sẽ "làm việc cùng Bộ Quốc phòng để giải quyết bất kỳ hiểu lầm nào”.

Động thái mới nhất của Mỹ khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào một số công ty công nghệ Trung Quốc ngay trước lễ nhậm chức của Tổng thống đắc cử Donald Trump. Cổ phiếu Tencent giảm 7,3% trong ngày, trong khi CATL giảm 2,8% trên sàn chứng khoán.

Theo nhà phân tích cấp cao Ivan Su của Morningstar, dù việc Tencent bị điểm tên là “bất ngờ tiêu cực”, nó không dẫn đến các lệnh cấm vận hay án phạt nào. Công ty cũng có thể lật ngược quyết định thông qua các hành động pháp lý.

“Xét tới mô hình kinh doanh của Tencent – chủ yếu xoay quanh mạng xã hội và game online, chúng tôi tin rằng công ty có cơ hội tốt để xin được miễn trừ thông qua các tòa án của Mỹ”. Tuy nhiên, chuyên gia nhận xét điều này có thể ảnh hưởng đến uy tín và khiến các doanh nghiệp khác e ngại hợp tác với Tencent.

Trong hồ sơ nộp lên sàn chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc), Tencent cho biết đang thực hiện các thủ tục pháp lý để loại bỏ tên của mình khỏi danh sách.

Từ khi ra đời năm 2021, danh sách đen của Lầu Năm Góc đã mở rộng ra 134 tổ chức. Đã có những tiền lệ về việc các công ty Trung Quốc được xóa tên khỏi danh sách này.

Năm 2021, Xiaomi đạt thỏa thuận với chính phủ Mỹ để lật ngược quyết định của chính quyền cựu Tổng thống Trump.

Alex Capri, giảng viên Trường Kinh doanh thuộc Đại học Quốc gia Singapore, dự đoán Tencent đối mặt với các lệnh trừng phạt sâu rộng hơn nếu quan hệ Mỹ - Trung tiếp tục xấu đi. Điều đó có thể gây ra những rung động trên chuỗi cung ứng toàn cầu.

Tencent hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ mạng xã hội, game online, fintech đến điện toán đám mây, AI. Hãng cũng có danh mục đầu tư trải dài khắp thế giới, với cổ phần trong các mạng xã hội Mỹ như Reddit, Snap, các xưởng game như Riot Games và Epic Games.

Dựa vào danh sách đen của Lầu Năm Góc, Bộ Tài chính Mỹ có thể có lý do áp đặt các lệnh trừng phạt và cấm vận thương mại, trong khi Tencent khó mua được sản phẩm tiên tiến từ công ty Mỹ như Nvidia, theo Zhou Chao, nhà nghiên cứu tại tổ chức Anbound.

Đây không phải lần đầu tiên Tencent trở thành mục tiêu giám sát của Mỹ. Năm 2020, chính quyền ông Trump muốn cấm WeChat do lo ngại an ninh quốc gia. Tuy nhiên, lệnh cấm bị Tổng thống Joe Biden thu hồi vào năm 2021.

(Theo SCMP)