- Danh sách những người tự ứng cử ĐBQH tại Hà Nội có một số "lao động tự do" và "không có đơn vị công tác", dẫn đến sự băn khoăn tại hội nghị hiệp thương lần 2 của thành phố hôm nay.
Ra cửa lên xe, xuống cửa vào nhà, tự ứng cử dễ trượt
Tự ứng cử: Người tài chưa xuất hiện đúng thời điểm
Danh sách sơ bộ gồm 87 người ứng cử được đưa ra tại hội nghị có 39 người được các cơ quan, tổ chức giới thiệu, và 48 người tự ứng cử.
Trong danh sách được giới thiệu có ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy, Phó Thủ tướng; bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ.Các ĐBQH Hà Nội tiếp tục ứng cử là ông Nguyễn Phi Thường, bà Bùi Thị An và ông Nguyễn Quốc Bình. Có nhiều ứng viên đại diện khối quân đội, công an và doanh nghiệp, trong khi đó, đại diện tôn giáo có bà Vũ Kim Tiến do Hội thánh Tin lành Hà Nội giới thiệu.
Đối với danh sách này, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều tỏ ý tin tưởng và nhất trí.
Tại hội nghị hiệp thương lần 1, Hà Nội kiến nghị giảm số lượng ĐBQH do Trung ương “gửi về”. Tuy nhiên, tại hội nghị hôm nay, ông Đào Văn Bình, Phó chủ tịch MTTQ VN, cho biết UB Thường vụ QH đã xem xét và giữ nguyên cơ cấu: Trong số 30 ĐB Hà Nội được bầu, thành phố giới thiệu 16, Trung ương gửi về 14. |
Trong danh sách tự ứng cử có ông Nguyễn Quang A, chuyên gia độc lập; ông Nguyễn Xuân Diện đến từ Viện Hán Nôm; ông Đỗ Việt Khoa, giáo viên huyện Thường Tín; ông Trần Đăng Tuấn, Công ty An Viên...
Phát biểu tại hội nghị, bà Đào Thanh Hương đến từ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Hà Nội, nhìn nhận con số người tự ứng cử trên cho thấy sự dân chủ, và thấy “có những người rất xứng đáng, tâm huyết với dân với nước, có đóng góp trong lĩnh vực hoạt động của mình”.
Nhưng bà Hương cũng cảm giác có những người tự ứng cử “chơi chơi”. Điều này là do theo danh sách ngắn gọn được ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội, đọc trong điều kiện thời gian không đủ để trình bày tất cả các tiêu chí, có một số người tự ứng cử là “lao động tự do”, “nghỉ ở nhà”, “không có cơ quan công tác”.
Điều này khiến một đại biểu cao tuổi lo ngại: “Những người không có việc làm, bản thân còn không tự lo được thì làm sao lo cho dân”.
Tuy vậy, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, trao đổi: “Tự ứng cử là quyền của người dân. MTTQ cần tiến hành thẩm tra qua địa phương, qua cử tri sở tại để bổ sung thông tin. Chỉ gạt nếu họ có vi phạm pháp luật, còn ngành nghề của mỗi người cần tôn trọng”.
Ông Liên đánh giá số lượng tự ứng cử nhiều là một bước tiến về mặt dân chủ trong bầu cử, cởi mở hơn để dần tiến tới dân chủ XHCN thực sự.
Ông Đinh Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch UBND Hà Nội, thận trọng hơn: Những người tự ứng cử đã làm hồ sơ đúng yêu cầu nhưng cần lưu ý là trong danh sách có những người không đủ tiêu chuẩn, phẩm chất làm ĐBQH.
“Do đó, ‘cửa’ lấy ý kiến của cử tri nơi cư trú là rất quan trọng, vì họ sát hơn chúng ta, biết rõ hơn. MTTQ cần cung cấp đầy đủ hồ sơ lý lịch người tự ứng cử cho địa phương, khi đó người nào ở thực sự với dân, dân sẽ biết”, ông Đinh Hạnh nói.
Chủ tịch UB MTTQ TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh trao đổi lại các ý kiến trên, cho biết sau khi lập danh sách sơ bộ tại hội nghị hôm nay, vẫn còn 2 bước đối với các ứng cử viên, đó là lấy ý kiến cử tri tại nơi cư trú thường xuyên và tại cơ quan, đơn vị công tác.
100% đại biểu tại hội nghị đã biểu quyết thông qua danh sách sơ bộ gồm 87 người ứng cử ĐBQH khóa 14 nhiệm kỳ 2016-2021 tại Hà Nội.
Chung Hoàng
Nhà báo Trần Đăng Tuấn tự ứng cử đại biểu QH
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa tự ứng cử đại biểu QH lần hai
Mai Khôi ứng cử ĐBQH: Không lý gì không tự tin
NSƯT Kim Tiến ứng cử đại biểu QH