Giá sẽ chạm mốc 70.000 đồng/kg
Cuối năm 2018, dịch tả lợn châu Phi bắt đầu tấn công các quốc gia ở châu Á. Trong đó, Trung Quốc là nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi dịch bệnh này nhanh chóng lây lan ra khắp các tỉnh thành, buộc phải tiêu hủy khoảng hơn 200 triệu con lợn.
Dịch tả châu Phi cướp mất 1/3 tổng đàn lợn, cộng với việc hủy hàng loạt đơn hàng nhập khẩu thịt lợn từ Mỹ, Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng thiếu thịt lợn lớn chưa từng có, đẩy giá lợn lên cao mức kỷ lục.
Tại Trung Quốc, giá thịt lợn hơi xuất chuồng ở nhiều tỉnh đã tăng lên xấp xỉ 100.000 đồng/kg do nguồn cung thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn.
Để cứu nguy tình trạng thiếu thịt, một số chủ một trang trại lợn ở Nam Ninh, thủ phủ của khu tự trị Quảng Tây bắt đầu đã lai tạo và nuôi giống lợn mới nặng từ 500-700 kg.
Nguồn cung thiếu hụt khoảng 10 triệu tấn, người dân tranh mua từng miếng thịt lợn |
Trong khi, chính quyền nhiều tỉnh thành tại quốc gia đông dân nhất thế giới này đã phải xả kho dự trữ thịt lợn đông lạnh nhằm bù đắp phần thiếu hụt cũng như làm hạ nhiệt mặt hàng này, song ở chợ, siêu thị người dân vẫn tranh nhau từng miếng thịt, thậm chí có nơi phát tem phiếu để dân mua thịt theo số lượng quy định.
Tại Việt Nam, dịch tả châu Phi đã phủ kín 63 tỉnh thành, phải tiêu hủy gần 6 triệu con lợn khiến nguồn cung khan hiếm, đẩy giá lợn tăng lên mức kỷ lục.
Theo xu hướng của Trung Quốc, một số chuyên gia trong ngành lo ngại, giá lợn sẽ tiếp tục tăng phi mã, có thể chạm mốc 70.000 đồng/kg vào thời gian tới.
Thực tế, từ đầu tháng 10 tới nay, giá lợn hơi xuất chuồng được ghi nhận tăng mạnh. Sáng 8/10, tại một số tỉnh thành ở miền Bắc giá thịt lợn tăng lên mức 58.000-62.000 đồng/kg tùy nơi. Trong khi, khu vực miền Trung và miền Nam giá cũng tăng lên 52.000-54.000 đồng/kg.
So với mức giá hồi cuối tháng 9, hiện giá thịt lợn hơi tăng 10.000-12.000 đồng/kg.
Kéo theo đó, giá thịt lợn tại chợ truyền thống cũng được đẩy lên cao. Ghi nhận giá thịt lợn tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, giá thịt ba chỉ, nạc vai, mông sấn, chân giò,... tăng lên 110.000 đồng/kg, sườn lợn giá tăng lên khoảng 120.000 đồng/kg.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định sẽ không để giá thịt lợn tại Việt Nam tăng quá cao như Trung Quốc |
Chị Bùi Thị Hải, tiểu thương bán thịt lợn ở khu vực Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) cho biết, thịt lợn mỗi ngày tăng vài giá, tiểu thương nhỏ như bọn chị lùng khắp vùng mà không bắt được lợn. “Hai ngày vừa rồi tôi phải nghỉ bán. Hôm qua may mắn bắt được 1 con lợn 80kg để giết mổ thì giờ mới có thịt lợn bán đây, chứ không cũng nghỉ hàng”, chị chia sẻ.
Giá lợn liên tục tăng cao, nguồn cung khan hiếm, các doanh nghiệp chăn nuôi hiện cũng đang xuất bán cầm chừng.
Đẩy mạnh tái đàn, nhập khẩu thịt lợn
Trao đổi với báo chí bên lề Diễn đàn Liên kết để tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu vào sáng 8/10, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn thông tin, phía Bộ sẽ có giải pháp để ổn định giá thịt lợn trong thời gian tới, đồng thời khẳng định sẽ để giá tăng quá cao như Trung Quốc.
Theo ông Tuấn, dịch tả lợn châu Phi làm cho chăn nuôi lợn năm nay thấp hơn năm ngoái rất nhiều. Theo dự báo, cuối năm sản lượng thịt heo hơi sẽ thiếu hụt 200 ngàn tấn so với năm trước.
“Chúng tôi đã biết điều này và đã có nhiều giải pháp để bù đắp”. Cụ thể, ông Tuấn cho biết, Bộ NN-PTNT đang khuyến khích các vùng chưa bị dịch tả lợn châu Phi hoặc những vùng đã đảm bảo tiêu chí về an toàn dịch bệnh tái đàn, thậm chí tăng đàn. Trên thực tế, nhiều địa phương cũng đã thực hiện việc tái đàn.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt của mặt hàng thịt lợn cũng sẽ được bù đắp bằng những mặt hàng thịt khác như bò, gà, vịt, các loại thủy hải sản,...
Cũng theo ông Tuấn, về tổng sản lượng thịt năm nay sẽ không thiếu nhưng thịt lợn thì giảm. "Tất nhiên, chúng ta sẽ vẫn phải nhập khẩu thịt lợn. Tuy nhiên, việc nhập khẩu thịt không chỉ dựa vào nhu cầu trong nước mà còn cả mối quan hệ thương mại với các nước", Thứ trưởng Hà Công Tuấn chia sẻ.
Số liệu của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho thấy, từ đầu năm 2019 tới nay, Việt Nam phải nhập khẩu số lượng thịt lợn khá lớn. Cụ thể, 7 tháng đầu năm, Việt Nam nhập 11,7 ngàn tấn thịt với kim ngạch nhập khẩu 22,1 triệu USD, tăng gấp 3,7 lần về lượng và 4,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2018.
Các chuyên gia trong ngành nhận định, lượng thịt nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh một phần để bù đắp sự thiếu hụt nguồn cung trong nước do dịch tả lợn châu Phi hoành hành.
Bảo Phương