Người cựu binh nhớ như in những ngày ông cùng đồng đội khai hỏa viên đạn cối đầu tiên vào cứ điểm Him Lam, mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông kể, khi tham gia chiến dịch, ông là khẩu đội trưởng cối 82 (Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312). Qua gần 2 tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn, nhưng chỉ Đại đoàn 312 được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam.
12h đêm 12/3/1954, từ Tà Lèng, Đại đoàn hành quân chiếm lĩnh trận địa. Gần sáng, đội hình đã đến cánh đồng quanh cứ điểm.
Ông Nguyễn Hữu Chấp |
“Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả 'Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời Tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ'. Nhưng chúng tôi không nao núng. Tinh thần chiến đấu lên cao, chờ giờ nổ súng, mở màn chiến dịch”, ông kể.
17h ngày 13/3/1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam. Sau hơn 1 giờ chiến đấu, lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” tung bay trên cứ điểm 3. Đến 22h30, cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23h30, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam.
Sau trận đó, khẩu đội của ông Chấp lại tiếp tục nhận nhiệm vụ mới cùng với các đơn vị khác đánh chiếm đồi D1, E1, E2. Những trận đánh giằng co, ác liệt hàng tháng trời, ông và đồng đội kiên cường bám trụ, vượt qua khó khăn gian khổ, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ, chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
Kéo ‘voi’ vào trận địa, lấy người khoác dù trắng làm tiêu
Cựu chiến binh Phạm Đức Cư (SN 1930) gia nhập Trung đoàn 367 pháo cao xạ ở tuổi 23. Đây là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của QĐND Việt Nam. Trung đoàn gồm 6 tiểu đoàn, ông Cư thuộc tiểu đoàn 394.
Người lính pháo cao xạ Phạm Đức Cư |
Cuối năm 1953, cấp trên cử hai tiểu đoàn 383 và 394 tham gia chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ).
Ông Cư kể, tiểu đoàn 394 bắt đầu cuộc hành quân cơ giới đầu tiên trong đời. Đường dài, xe pháo cồng kềnh và phải tuyệt đối giữ bí mật binh chủng, đến đích đúng thời hạn, đảm bảo an toàn người và xe pháo.
“Mỗi khẩu pháo nặng 2,4 tấn. Để vào được trận địa phải có từ 80-100 người kéo qua địa hình hiểm trở, dốc cao, mưa lầy lội, vực thẳm. Lại phải kéo ban đêm, không được soi đèn, chúng tôi có sáng kiến cử 2 chiến sỹ khoác mảnh dù trắng đi trước làm tiêu để kéo pháo theo, nếu sơ suất một ly là cả pháo và người văng xuống vực”, ông Cư nhớ lại.
Vượt bao hiểm nguy, pháo được kéo vào trận địa. Nhưng chưa lấy lại sức, ngày 25/1/1954, các đơn vị pháo nhận được lệnh của bộ chỉ huy phải kéo pháo về vị trí cũ khi bộ chỉ huy chiến dịch quyết định chuyển hướng chiến lược do địch có động thái mới.
Ông Cư cho biết, kéo pháo vào đã gian khổ, kéo ra còn gian khổ gấp nhiều lần.
Tối 13/3/1954, thời điểm bắt đầu chiến dịch, pháo binh, bộ binh ta ào ạt tiến công đánh chiếm lên điểm cao khu vực tiền tiêu quan trọng. Suốt 56 ngày đêm kiên cường chiến đấu trong mưa bom bão đạn, các đơn vị pháo cao xạ đã đánh thắng không lực của Pháp, cắt đứt đường tiếp tế hàng không của địch, bắn rơi 52 máy bay các loại, góp phần quan trọng vào chiến thắng của chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ.
Gặp nhau tại hội thảo “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực” hôm nay, những chiến sĩ Điện Biên vẫn giữ vẹn nguyên ký ức về những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” 65 năm trước.
Thượng tướng Lê Chiêm phát biểu khai mạc hội thảo |
Hội thảo do Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Điện Biên tổ chức tại Điện Biên với sự tham dự của Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND; Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Văn Sơn, lãnh đạo Viện Lịch sử quân sự…
Theo Thượng tướng Lê Chiêm, hội thảo là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng, hun đúc tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng yêu chuộng hòa bình. Đồng thời cũng để rút ra kinh nghiệm, bài học lịch sử để vận dụng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc.
Chuyện Chính ủy trẹo chân vẫn hành quân kéo pháo
Một đầu gối của Chính uỷ Đại đoàn Công pháo 351 Phạm Ngọc Mậu bị trẹo vì leo núi và dốc quá nhiều, nhưng ông vẫn hành quân cùng bộ đội kéo pháo.
Thái An