Hội chợ thịt xông khói Kentucky (Hoa Kỳ) đã thu hút hơn 1.500 người nông dân và các doanh nghiệp chế biến thịt xông khói trên khắp thế giới, bao gồm cả các chính trị gia và các nhà lãnh đạo nổi tiếng.
Chủ nhân chiếc đùi lợn xông khói đắt giá nhất trong hội chợ năm nay thuộc về ông Blake Penn, chủ trang trại Penn’s Hams. Ông đã mang đến hội chợ chiếc đùi lợn nặng 8kg, được đặt trên một khay trải đầy hoa hồng cùng các đồ trang trí lộng lẫy khác. Chiếc đùi lợn của ông nhận được hơn 40 lượt đấu giá, và được bán ra với giá cuối cùng là 1 triệu USD (hơn 23 tỷ VND).
Đùi lợn xông khói có giá 1 triệu USD (nguồn: Atlas Obscura) |
Kentucky Farm Bureau là sự kiện hàng năm thu hút các nhà lãnh đạo doanh nghiệp, các thành viên của cộng đồng nông nghiệp và các chính trị gia không chỉ đến từ Mỹ mà còn cả các nước nổi tiếng về thịt xông khói như các nước Châu Âu. Đấu giá là một hoạt động quen thuộc tại sự kiện này.
Tiền thu được từ hoạt động đấu giá sẽ được sử dụng để hỗ trợ các tổ chức phi lợi nhuận và tổ chức từ thiện theo lựa chọn của người trúng thầu. Theo thông cáo báo chí của Cơ quan Nông trại Kentucky, số tiền từ việc đấu giá năm nay sẽ được chuyển đến Đại học Transylvania, Đại học Kinh doanh Kentucky Gatton, Trung tâm Ung thư - Đại học Kentucky Markey, Bệnh viện St. Elizabeth.
Blake Penn, chủ nhân của đùi lợn xông khói đắt giá nhất trong sự kiện năm 2019 này, vẫn đang cảm thấy “sốc” vì quá vui mừng. “Tôi vốn nghĩ nó chỉ có thể bán được với giá khoảng 15.000 USD/kg”.
Những chiếc đùi lợn xông khói đắt giá thường được lấy từ những con lợn được thả tự do. Chúng đi bộ cả ngày, trung bình tới 14 km mỗi ngày, ăn thức ăn tự nhiên, hít không khí trong lành, uống nước suối và vùi mình trong đất sét.
Quy trình làm ra chiếc đùi lợn xông khói thượng hạng luôn đòi hỏi kỹ thuật và độ tỉ mỉ cao (nguồn: Atlas Obscura) |
Trong khi những con lợn thông thường chỉ nuôi trong khoảng một năm để lấy thịt thì những con lợn được sử dụng để làm thịt xông khói thượng hạng phải mất tới 2-3 năm. Trước khi treo lên móc giết mổ, những con lợn bị làm ngất bằng khí CO2 và chết êm ái trong tay bác sĩ thú y.
Thịt ở chân, lưng và vai dùng để làm thịt hun khói, còn lại bán cho các nhà hàng tại địa phương. Chân lợn được ướp muối, rửa sạch, sấy khô rồi đưa vào hầm trữ trong khoảng một năm rưỡi trước khi mang ra bán.
Thịt cần phải được để trong hầm với độ ẩm nhất định, không được để gần cửa sổ vì có thể bị khô quá nhanh, thường được phủ dầu để tránh côn trùng xâm nhập. Những chiếc đùi sẽ được chọc bằng kim chuyên dụng từ lớp da bên ngoài vào tận xương bên trong để chất béo bao quanh, sau đó sử dụng mũi kiểm tra chất lượng thịt. Các chuyên gia chỉ mất vài giây để kiểm tra độ ngọt, tươi, bóng mượt của thịt. Những miếng thịt ngon nhất, đủ tiêu chuẩn sẽ được dán nhãn chứng nhận và khẳng định giá trị của chúng.
(Theo Atlas Obscura/ Dân Việt)