Nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ đã được các Bộ, ngành nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành mới hoặc điều chỉnh, bổ sung, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo tiền đề cho ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Sản xuất tại Công ty Osaka (Thường Tín, Hà Nội) (ảnh: Hoàng Hiệp)

 

Ghi nhận của VietNamNet cho thấy, nhìn lại chặng đường năm 2021 vừa qua, các chính sách đã được ban hành thiết thực liên quan lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là:

- Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, trong đó Thủ tướng Chính phủ quyết định mức, thời gian ưu đãi đầu tư đặc biệt theo các tiêu chí về công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi, giá trị sản xuất trong nước đối với các dự án đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 20 Luật Đầu tư.

- Nghị định số 57/2021/NĐ-CP ngày 04 tháng 6 năm 2021 bổ sung điểm g khoản 2 Điều 20 Nghị định số 218/2013/NĐ-CP (đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 20 Điều 1 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP) về ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với dự án sản xuất sản phẩm CNHT.

- Nghị định số 57/2020/NĐ-CP ngày 25 tháng 05 năm 2020 sửa đổi, bổ sung Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 9 năm 2016 và Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2017 (Nghị định số 57/2020/NĐ-CP). Theo đó, ngoài Chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô được áp dụng từ năm 2017, Nghị định số 57/2020/NĐ-CP đã bổ sung thêm Chương trình ưu đãi thuế CNHT ô tô quy định nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất, gia công các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô được áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0%. Thời gian thực hiện của Chương trình là 5 năm (2020- 2024).

- Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có các quy định liên quan đến trách nhiệm tái chế, thu gom, xử lý sản phẩm, chất thải của tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu. Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định việc thải bỏ phương tiện giao thông trước ngày 01 tháng 01 năm 2025.

- Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15 tháng 6 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; 

- Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số, trong đó bao gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Dự kiến trong thời gian tới, các văn bản quan trọng đang được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi là Nghị định 111/2015 của Chính phủ ban hành từ năm 2015 về phát triển công nghiệp hỗ trợ và đề xuất bộ luật mới là Luật Phát triển công nghiệp. Loạt văn bản này sẽ là hành lang pháp lý thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ Việt Nam thêm có cơ hội thêm nấc thang phát triển mới.

Hoàng Hiệp